Chán hàng Quảng Châu, giới trẻ săn mua quần áo hàng hiệu cũ
(Dân trí) - Đã quá chán các loại quần áo Quảng Châu (Trung Quốc) bán nhan nhản trên thị trường, nhiều bạn trẻ có phong cách ăn mặc khác biệt đang săn lùng mua hàng hiệu cũ để mặc.
Phong cách ăn mặc đường phố đang lên ngôi cùng với Rap, Hiphop. Vì thế, các mặt hàng quần áo, giày dép theo xu hướng này cũng được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng.
Đặc điểm của phong cách này thường là những bộ đồ rộng, có kích thước lớn, thay vì quần áo bó sát cơ thể như một vài năm trước đây.
Tuy nhiên, các cửa hàng quần áo theo phong cách này ở Việt Nam vẫn còn ít. Vì đa phần trên thị trường hiện nay, người bán vẫn kinh doanh đồ nhập từ các thủ phủ thời trang của Trung Quốc như Quảng Châu, Quảng Đông,…
Ít chỗ mua, lại chỉ có nguồn kinh phí hạn chế, nên nhiều bạn trẻ đang có xu hướng tìm đến các cửa hàng bán đồ cũ để săn quần áo hàng hiệu mang phong cách đường phố.
Đang là sinh viên năm cuối 1 trường đại học tại Hà Nội, chị Lương Ngọc Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn có phong cách ăn mặc trẻ trung, năng động. Yêu thích phong cách này nên chị Hằng thường xuyên tìm hiểu về thời trang và xu hướng thay đổi của nó.
Theo đó, chị Hằng cho biết, cách đây 10 năm, quần áo cũ thường chỉ được người trung tuổi, người già quan tâm. Các mặt hàng phổ biến hồi đó như áo da, đồ thể thao, áo khoác gió bán rất chạy. Thế nên, phân khúc dành cho giới trẻ vô tình bị bỏ qua.
“Nhưng 3 năm gần đây, phong cách ăn mặc đường phố cùng với hoạ tiết của những thập niên 80 - 90 quay lại đã khiến cho tư duy bán hàng của nhiều người thay đổi. Họ nhập nhiều hơn những chiếc quần, hay áo sơ mi nhung tăm - một chất liệu đã "hot" từ cách đây vài chục năm”, chị Hằng nói.
Cũng theo chị Hằng, một chiếc sơ mi nhung tăm cũ chỉ có giá khoảng hơn 100 nghìn đồng. Song, nếu khéo kéo phối hợp thì sẽ mang lại cảm giác cổ điển, với một chút hoài niệm, nhưng không kém phần thời thượng.
Nắm bắt xu hướng đó, mỗi lúc rảnh, chị Hằng lại cùng bạn đi dạo quanh các cửa hàng chuyên bán quần áo cũ để tìm mua những chiếc áo hàng hiệu. Vì thế, với cửa hàng quen, mỗi khi có hàng hiệu mới về, chị Hằng đều được ưu ái gọi đến thử trước.
“Tuỳ theo độ độc, lạ, có những chiếc áo của thương hiệu lớn giá có thể lên tới 400 - 500 nghìn đồng. Giá cao, nhưng lúc mới, giá trị của nó có thể lên tới 200 - 300 USD”, chị Hằng cho biết thêm.
Biết sở thích của khách là săn hàng hiệu độc, lạ, nên anh Trần Việt Anh - chủ một cửa hàng quần áo cũ mang phong cách đường phố tại Gia Lâm (Hà Nội), phải đến tận nơi để nhặt từng chiếc áo.
Cẩn thận như vậy vì theo chủ cửa hàng này, trong cả kiện hàng trăm cái, chỉ có thể lọc ra được 2 - 3 cái “cực phẩm”. Cực phẩm ở đây theo anh Việt Anh là những chiếc áo của các hãng lớn, có phong cách, còn mới và độc. Do đó, nếu không tận tay đi nhặt thì khó có thể mua được.
“Nếu không phải thương hiệu lớn, tôi sẽ ưu tiên nhập mẫu mã đẹp và độ mới trên 90%. Còn với hàng hiệu, độc, lạ thì độ mới chỉ khoảng 80% cũng chấp nhận được. Tuy nhiên, do năm nay đang "hot" mặt hàng áo sơ mi nhung tăm, nên không có nhiều sự lựa chọn như trước đây”, anh Việt Anh cho hay.
Đặc biệt, theo chủ cửa hàng này, do quần áo cũ chỉ nhập duy nhất được 1 cái, không có sản phẩm cùng loại với kích thước khác, nên nhiều bạn trẻ hiện nay thích phong cách mới lạ, nhưng không muốn “đụng hàng” đều tìm tới chỗ anh để chọn mua đồ.
Không riêng anh Việt Anh, nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo cũ cũng đang chạy theo xu hướng quần áo của thập niên 80 - 90. Phong cách này mang hơi hướng vintage, retro,... có tính hoài cổ, nhưng vẫn thời thượng.
Năm nay, ngoài chất liệu nhung tăm thì tông màu lạc đà, xanh rêu đang được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, khi khách hàng mua quần áo cũ thì nên kiểm tra sản phẩm thật kỹ để tránh gặp sản phẩm lỗi và phải đổi trả.