1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chặn đứng “tín dụng đen” trong nông nghiệp

(Dân trí) - Khoảng 80% nông dân tại vựa lúa ĐBSCL không có đất đành đi làm thuê, vốn sản xuất đi vay từ quỹ “tín dụng đen”, phải bán lúa non để trả nợ… ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết tại buổi toạ đàm “Tín dụng hướng tới bát cơm châu Á”.

Chặn đứng “tín dụng đen” trong nông nghiệp - 1
Để vốn đến tay nông dân nhanh chóng cần có sự hỗ trợ của của ngành Ngân hàng.
 
Ngày 10/3, buổi toạ đàm “Tín dụng hướng tới bát cơm châu Á” do Ngân hàng Liên Việt, phối hợp cùng Báo Nông thôn ngày nay và Bản tin Tài chính (Đài THVN) đã được tổ chức tại Hà Nội. Các diễn giả đã khái quát được thực trạng của vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước với sản lượng lương thực khoảng 20 triệu tấn, nhưng nhu cầu vốn cho sản xuất nông nghiệp của 13 tỉnh thuộc nơi này lại rất hạn chế.
 
Đây cũng chính là nguyên nhân phát triển của nhiều hình thức tín dụng phi chính thống, “tín dụng đen” đã và đang hoạt động, khiến người nông dân phải bán lúa non, thậm chí là trắng tay khi vừa gặt xong trên chính thửa ruộng của mình.
 
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Lúa của khu vực ĐBSCL đang mùa thu hoạch rộ, với sản lượng trên 20 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 sản lượng của toàn quốc.
 
Tuy nhiên, khoảng 80% nông dân không có đất phải đi làm thuê, sử dụng vốn sản xuất bằng cách đi vay, trong đó phần nhiều từ quỹ “tín dụng đen”. Vào thời điểm thu hoạch bị chủ nợ đòi, hình ảnh người nông dân vừa gặt xong ngoài đồng ruộng là trắng tay, một số ít may còn một phần để duy trì cuộc sống và cho vụ tiếp theo đã in đậm trong tâm trí của vị lãnh đạo này.
 
“Nhu cầu vay vốn để sản xuất của người dân rất lớn, nhất là trong thời điểm hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang phải lo đối phó với hạn hán và nước mặn xâm nhập. Bất luận người dân ĐBSCL có đất hay không đều có nhu cầu vay vốn để có tiền mua giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu… Đây chính là lý do khiến tín dụng đen phát triển mạnh mẽ tại mảnh đất này”, ông Ngọc nói.
 
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với dự kiến xuất khẩu tới 6 triệu tấn gạo trong năm 2010 (kim ngạch khoảng 3 tỷ USD), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang khó khăn trong việc xoay sở nguồn vốn.
 
Cho dù, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo về việc đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp thu mua gạo nhưng khi đầu ra còn nhiều khó khăn, các ngân hàng do dự khi cho vay. Cũng vì lý do thiếu vốn mà nhiều doanh nghiệp chưa thể thực hiện việc đầu tư kho và hệ thống xay xát, chế biến.
 
Thừa nhận nguồn vốn cho khu vực nông thôn còn gặp khó, nhất là khi mạng lưới của các ngân hàng (ngoại trừ Agribank) chưa bao phủ rộng, ông Nguyễn Danh Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay: Nguồn vốn huy động tại chỗ ở ĐBSCL chỉ đạt 115.000 tỷ đồng (tương đương 6% tổng vốn huy động toàn hệ thống ngân hàng trong cả nước tức 1.777.000 tỷ đồng) trong khi dư nợ cho vay lên tới 174.000 tỷ đồng. Đó là còn chưa kể đến các nhu cầu chưa được ngân hàng đáp ứng, nông dân phải đi vay từ nguồn tín dụng phi chính thống khác.
 
Để tháo gỡ cho các tổ chức tín dụng tham gia vốn hỗ trợ nhà nông, Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
Trong đó quy định, tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. Mức cho vay tối đa không có bảo đảm bằng tài sản lên đến 50 triệu đồng đối với các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm; cho vay tối đa đến 200 triệu đồng với các hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn; cho vay đến 500 triệu đồng với các chủ trang trại, hợp tác xã.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ chế cho vay này đã được mở ra nhiều lĩnh vực, thông thoáng hơn cơ chế cũ, giúp giải tỏa áp lực về vốn đối với cả người nông dân và doanh nghiệp. Và một tin vui đến với người dân ĐBSCL trong thời điểm này là, cùng với Agribank, Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) đã trở thành ngân hàng TMCP đầu tiên đi tiên phong trong việc kéo lãi xuất vùng nông thôn xuống thấp.
 
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietBank cho biết: Trong giai đoạn 2010 - 2013, tổng số tiền mà ngân hàng giải ngân cho lĩnh vực nông thôn khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng.
 
Riêng trong năm 2010, ngân hàng đã có đề án báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước với tổng số vốn cho vay là 1.200 tỷ đồng. Ngân hàng Liên Việt sẽ cùng với Agribank cố gắng kéo lãi suất cho vay đối với bà con nông dân xuống, tránh tình trạng vay nặng lãi đang đè nặng lên vai của họ như hiện nay.
 
Nguyễn Hiền