DBiz

Chân dung 3 doanh nghiệp phát tiền kỷ lục cho cổ đông

Mai Chi
Chân dung 3 doanh nghiệp phát tiền kỷ lục cho cổ đông

Cầm cổ phiếu giá 3.700 đồng nhận 20.000 đồng tiền cổ tức

27/9 vừa rồi là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức của Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên (Fomeco - mã chứng khoán: FBC). Doanh nghiệp này gây chú ý với mức chia cổ tức năm 2023 đạt kỷ lục, lên tới 200% (cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận về 20.000 đồng). Công ty dự kiến thanh toán cổ tức vào ngày 7/11.

Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên thành lập năm 1974, hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác, sản phẩm bao gồm các loại vòng bi, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, con lăn băng tải, phụ tùng cho ngành xây dựng và các sản phẩm cơ khí khác.

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là cổ đông lớn nhất tại Fomeco, góp 51% vốn điều lệ công ty mẹ với số lượng cổ phiếu nắm giữ là 1,887 triệu đơn vị. Như vậy, trong đợt chia cổ tức này, VEAM dự kiến thu về khoảng 38 tỷ đồng cổ tức.

Ông Hoàng Công Toán - Thành viên Hội đồng quản trị - nắm 13,743% vốn điều lệ với khối lượng cổ phiếu là 508.480 đơn vị; ông Vương Quốc Chính - Thành viên Hội đồng quản trị - nắm 6,043% vốn với khối lượng cổ phiếu là 223.610 đơn vị. Hai lãnh đạo này của Fomeco dự kiến nhận được 10,2 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng cổ tức vào đầu tháng 11.

Fomeco là doanh nghiệp chia cổ tức với tỷ lệ cao và đều đặn cho nhà đầu tư kể từ khi lên sàn cuối năm 2017 đến nay, từ mức 30-65% lên 120% vào năm 2022 và 200% vào năm 2023.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FBC có thị giá chỉ 3.700 đồng, mức chia cổ tức gấp 5,4 lần mệnh giá. Mặc dù vẫn có lệnh mua nhưng không có lệnh bán đối ứng, do vậy mã này không có thanh khoản.

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, công ty đạt 1.049,7 tỷ đồng doanh thu, bằng 80% thực hiện của năm 2022 và 92% kế hoạch. Tuy vậy, Fomeco vẫn ghi nhận lãi sau thuế đạt 72,7 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm trước và vượt 20,8% so với kế hoạch đặt ra.

Gặp khó vì quy định thổi nồng độ cồn vẫn chia cổ tức "khủng"

Tương tự Fomeco, một doanh nghiệp cũng chuẩn bị trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ xấp xỉ 200% là Công ty cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Sông Tiền (mã chứng khoán: SST).

Theo thông báo của Bia Sài Gòn Sông Tiền, công ty chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 199,84% (một cổ phiếu nhận 19.984 đồng), ngày đăng ký cuối cùng là 8/10, ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/10 và ngày thanh toán dự kiến vào 24/10.

Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) là công ty mẹ, sở hữu 90% vốn điều lệ Bia Sài Gòn Sông Tiền. Trong đợt chia cổ tức này, Sabeco dự kiến sẽ thu về 72 tỷ đồng tiền mặt.

Bia Sài Gòn Sông Tiền cũng có truyền thống trả cổ tức hậu hĩnh với tỷ lệ chi trả cao chót vót. Năm ngoái, công ty chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 278%; đến năm 2022, công ty chia cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 128,44%. Cổ tức năm 2020 cũng bằng tiền có tỷ lệ 273,26%; cổ tức năm 2019 lên tới 347,6%; năm 2018 là 207% và năm 2017 là 239% đều bằng tiền mặt.

Trong năm 2023, doanh thu thuần của Bia Sài Gòn Sông Tiền đạt 4.344,76 tỷ đồng, đạt 96,39% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 104,2 và 82,79 tỷ đồng đạt 71,53% và 71,68% so với năm 2022.

Công ty cho biết, mức sụt giảm hơn 28% lợi nhuận trong năm vừa rồi là doanh thu không cải thiện nhưng các khoản chi phí lại có phần gia tăng do bối cảnh kinh tế. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất lên khoảng gia tăng này là chi phí bán hàng lên mức 351,95 tỷ đồng đồng, gia tăng 20,9% so với năm 2022.

Nền kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn như xung đột chính trị quốc tế, lạm phát và lãi suất tăng cao, tâm lý tiêu dùng bất ổn định khiến lực cầu yếu và việc thực hiện gắt gao Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về mức vi phạm nồng độ cồn vào những tháng cuối năm đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Nhu cầu tiêu thụ bia tại Việt Nam giảm mạnh cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh, đòi hỏi chi tiêu nhiều hơn cho các loại chi phí như hoa hồng, giới thiệu sản phẩm, chào hàng,... để có thể bán được sản phẩm.

Thị giá chót vót, chia cổ tức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động

Cùng mức chi trả 200%, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS) cũng vừa thông báo chốt danh sách chi trả cổ tức niên độ 2023-2024 bằng tiền. Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/10 và ngày thanh toán là 4/11.

Người sở hữu một cổ phiếu SLS sẽ nhận cổ tức tiền mặt 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khác với trường hợp FBC, cổ phiếu SLS có thị giá rất đắt đỏ. Đóng cửa phiên 27/9, mã này đạt 205.900 đồng và đang ở mức đỉnh lịch sử của cổ phiếu này.

Như vậy, nếu mua cổ phiếu SLS vào thời điểm này, để sở hữu lô tối thiểu 100 cổ phiếu, nhà đầu tư phải chi 20,59 triệu đồng và nhận được 2 triệu đồng cổ tức.

Trước đó, công ty dự chi cổ tức với tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 5/9, một số cổ đông Mía đường Sơn La đã đề nghị tăng tỷ lệ chi trả lên 200-250% bằng tiền và phương án này đã được thông qua, cũng là mức chi trả cổ tức cao nhất trong lịch sử niêm yết của công ty.

Với gần 9,8 triệu cổ phiếu SLS đang lưu hành, công ty dự kiến sẽ phải chi gần 196 tỷ đồng để trả cổ tức lần này.

Tại Mía đường Sơn La, ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị - sở hữu 963.878 cổ phiếu SLS, chiếm tỷ lệ 9,84% vốn điều lệ. Mẹ ông Việt Anh là bà Trần Thị Thái sở hữu 2,69 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 27,43%.

Ông Trần Ngọc Hiếu - Phó chủ tịch HĐQT - chỉ sở hữu 131.731 cổ phiếu SLS, chiếm tỷ lệ 1,35% vốn và không phải là cổ đông lớn. Vợ ông Hiếu là bà Tạ Ngọc Hương sở hữu 283.292 cổ phiếu SLS, chiếm tỷ lệ 2,89%. Ông Hiếu là em trai của bà Trần Thị Thái.

Niên độ 2023-2024, tổng doanh thu thuần của Mía đường Sơn La vượt 35% kế hoạch, đạt 1.412 tỷ đồng, lãi trước thuế 532 tỷ đồng, vượt 288,6% kế hoạch và lãi sau thuế vượt 284,2%, đạt 526 tỷ đồng.

Chân dung 3 doanh nghiệp phát tiền kỷ lục cho cổ đông - 1

Thị giá cổ phiếu SLS đang ở vùng đỉnh lịch sử (Nguồn: Wichart).

Công ty cho biết, khó khăn là diễn biến thời tiết phức tạp do tác động của Elnino nhiều đợt nắng nóng xuất hiện sớm, gay gắt và kéo dài. Do nắng nóng, khô hạn, mùa mưa đến muộn nên vụ trồng mới phải lùi một tháng so với bình quân hàng năm; tỷ lệ, sức tái sinh của mía gốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Từ tháng 7, hiện tượng thời tiết chuyển sang La Nina (pha lạnh), số ngày/giờ có nắng giảm, nhiệt độ có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm. Nhiều đợt mưa lớn dài ngày gây ra sạt lở, ngập úng.

Theo đó, diện tích dự kiến đưa vào thu hoạch vụ 2024-2025 chỉ đạt 92,68% so với kế hoạch. Một số diện tích bị ngập úng, sạt lở đất, vùi lấp (ước có 40ha bị mất trắng) hoặc không được làm cỏ, phun thuốc kịp thời. Mưa lớn nhiều, đất đồi dốc dẫn đến đất mặt, phân bón bị xói mòn, rửa trôi rất nặng, năng suất mía dự kiến chỉ tương đương vụ 2023-2024 và giảm sâu so với trung bình hàng năm.

Niên độ 2024-2025, công ty đặt kế hoạch đạt 1.097 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi trước thuế và sau thuế đạt 150 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 72% so với thực hiện niên độ kề trước.