“Cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh: “BĐS gia tăng khiến tôi sợ”

(Dân trí) - “BĐS đang gia tăng khiến tôi ngày càng sợ hơn, đi đâu cũng thấy công trình. Phải chăng vốn đang đổ quá nhiều vào BĐS thay vì tăng vào sản xuất để cân bằng” - Giáo sư Michael Porter - “cha đẻ” của “Chiến lược cạnh tranh” nhận định về kinh tế Việt Nam.

Đầu tư nhiều nhưng…
 
Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 có thể coi là báo cáo đầu tiên cấp quốc gia của Việt Nam về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Báo cáo được xây dựng bởi Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á phối hợp thực hiện. Giáo sư Michael Porter, “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh chính là người chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện báo cáo này.
 
“Cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh: “BĐS gia tăng khiến tôi sợ” - 1
Giáo sư Michael Porter, “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh
 
Theo báo cáo, chính sách kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây của Việt Nam hiện đang là một điểm yếu lớn. Chính sách tài khoá của Việt Nam đang bị cản trở rất nhiều bởi các thâm hụt của khu vực Nhà nước.
 
Áp lực liên tục lên tỷ giá, tỷ lệ lạm phát cao, cũng như sự phát triển nóng của thị trường tài chính trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu là những dấu hiệu về một chính sách tiền tệ còn có vấn đề.
 
Trong khi đó, các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, đường xá, cảng, sân bay, năng lượng… đã được thực hiện, nhưng tác động kinh tế - xã hội của các công trình đem lại chưa rõ do hiệu quả thấp và thiếu trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư.
 
GS. Michael Porter nhận định, câu chuyện “ngoạn mục” của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế, có sức bật lớn trong khủng hoảng. Song thách thức là cho dù có tăng trưởng nhưng chỉ duy trì mức thịnh vượng cũng như năng suất nền kinh tế đều thấp.
 
Báo cáo cũng cho thấy, tăng trưởng của nền kinh tế trong nước đang ngày càng phụ thuộc vào tăng vốn đầu tư, mà thiếu lực đẩy từ nhân tố lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp, những nội lực tạo nên sức cạnh tranh của nhiều nước phát triển và đang phát triển khác.
 
Theo số liệu thống kê thời kỳ 2006 - 2010, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP luôn ở mức trên 40%, cao hơn nhiều so với các nước công nghiệp mới có cùng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư lại chưa phát huy rõ rệt đến đời sống kinh tế, xã hội.
 
Tham nhũng là vấn đề lớn
 
Không những vậy, Việt Nam còn đang phải đối mặt với khó khăn do chưa phát triển kinh tế cụm ngành, chúng ta mới chỉ là nhập về lắp ráp và xuất khẩu, nên không thể tăng năng suất lao động và tăng lương.
 
“Cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh: “BĐS gia tăng khiến tôi sợ” - 2
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam không có lợi thế độc đáo
 
GS. Michael Porter đưa ra ví dụ, Thái Lan có cụm ngành ô tô rất có năng lực cạnh tranh. Nếu hạ thuế quan thì sẽ không có nhà đầu tư nào vào Việt Nam bởi dù lương thấp nhưng năng suất cũng thấp thì không ai quan tâm.
 
Các công ty đa quốc gia đến Thái Lan vì họ thấy đó là điểm sản xuất tập trung theo cụm có tác động đến năng suất, trong khi ở Việt Nam thì chỉ dựa vào từng doanh nghiệp đơn lẻ. Điều này đặt ra vấn đề muốn phát triển cần phải tạo được môi trường kinh doanh năng suất cao, đổi mới công nghệ để tăng năng suất.
 
Đáng chú ý, tỉ lệ đầu tư so với GDP của Việt Nam đang giảm nên muốn duy trì tăng trưởng thì phải đầu tư nhiều thêm. Không những vậy, hơn 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang khó khăn trong tìm lao động, đấy là chưa kể đến những bất cập về hạ tầng như thiếu điện…
 
“BĐS đang gia tăng khiến tôi ngày càng sợ hơn, đi đâu cũng thấy công trình. Phải chăng vốn đang đổ quá nhiều vào BĐS thay vì tăng vào sản xuất để cân bằng kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta thu hút nhiều FDI nhưng có khoảng cách lớn giữa cam kết và thực hiện” - GS. Michael Porter nói.
 
Nhận định về tình hình, Giáo sư cho rằng, môi trường hành chính vẫn chưa được thông thoáng, điều này làm hạn chế sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư...
 
Không những vậy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đáng tiếc là không có lợi thế độc đáo. Đặc biệt là tham nhũng là vấn đề quá lớn mà Việt Nam cần phải cố gắng vượt qua. “Vì vậy, Việt Nam cần phải chuyển dịch sang một giai đoạn phát triển mới” - giáo sư khẳng định.
 

Cần thay đổi thế nào?

Theo GS. Michael Porter, năng lực cạnh tranh được thúc đẩy bằng 3 cấp độ: lợi thế tự nhiên: lao động, tài nguyên, vị trí địa lý. Đây là những thứ Việt Nam đều có nhưng không thể chỉ dựa vào nó.

Muốn sử dụng được phải dựa cả vảo năng lực cạnh tranh kinh tế vĩ mô (điều kiện khung tạo điều kiện cho DN làm ăn như hạ tầng, thể chế chính trị).

Thứ nữa là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vĩ mô. Trong đó doanh nghiệp phải có cạnh tranh tốt, nhưng bản thân họ không thể cạnh tranh tốt trong môi trường không tốt.

 
Lan Hương