"Cha đẻ" của ATM gạo và ATM oxy được vinh danh

Đại Việt

(Dân trí) - Nhiều doanh nhân đã nén đau thương, mất mát của bản thân để chung tay cùng TPHCM phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong thời gian qua.

Ngày 10/10, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức chương trình gặp mặt trực tuyến "Họ đã sống như thế" nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Trong chương trình, nhiều câu chuyện xúc động của các doanh nhân đã được chia sẻ. Ai cũng không thể quên những ngày tháng cả thành phố gồng mình chống dịch. Doanh nhân vừa chăm lo sản xuất vừa tham gia vào các hoạt động chung tay vì cộng đồng, tất cả đều làm việc "lăn xả" với cường độ cao.

Cha đẻ của ATM gạo và ATM oxy được vinh danh - 1

Doanh nhân tại TPHCM luôn tích cực đóng góp cho cộng đồng trong giai đoạn khó khăn vừa qua (Ảnh: Đ.V).

Doanh nhân Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân - cho biết dịch bệnh khiến cả xã hội bất an, người lao động của công ty cũng rất hoang mang. Thế nhưng, ông phải tự gạt bỏ nỗi sợ hãi và động viên mọi người cùng cố gắng.

"Tôi là người đứng đầu, nếu mình không xông pha thì làm sao nhân viên dám xông pha. Cứ như thế, chúng tôi động viên nhau cùng vượt qua những lo âu, trở ngại" - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, mẹ ông đã mắc Covid-19 và qua đời. Tuy nhiên, ông phải nén những đau thương, mất mát để tập trung cùng công ty và thành phố phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Còn theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty PNJ - Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TPHCM, ngoài việc tập trung kinh doanh, sản xuất thì doanh nghiệp và Hội nữ doanh nhân của bà còn tổ chức chương trình Siêu thị 0 đồng nhằm hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những hoàn cảnh khó khăn.

Bà Dung chia sẻ, bà từng nhiều lần không kìm được nước mắt khi chứng kiến những mảnh đời cơ cực. Chính những lần như thế đã thôi thúc bà cùng các cộng sự đưa Siêu thị 0 đồng lan tỏa đến 21 tỉnh thành.

Cũng như bà Dung, bà Lưu Thanh Mẫu - TGĐ Công ty Phúc Khang cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, vai trò của doanh nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là lúc doanh nhân, doanh nghiệp cống hiến hết khả năng của mình để san sẻ nỗi lo với chính quyền, đồng thời quan tâm, chăm lo đến từng người lao động, từng số phận trong xã hội.

Cha đẻ của ATM gạo và ATM oxy được vinh danh - 2

Người dân có hoàn cảnh khó khăn được các doanh nhân, doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời (Ảnh: Đ.V).

Phát biểu tại chương trình, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho hay doanh nhân của thành phố đã có những đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh.

Doanh nhân ở TPHCM đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao uy tín, nâng cao vị thế kinh tế của thành phố đối với cả nước và quốc tế.

Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn cầu gây ra những tổn thất hết sức nặng nề, tạo nên một khủng hoảng mới chưa từng có trong hơn 100 năm qua. TPHCM cũng chính là tâm dịch của cả nước, đặt doanh nghiệp vào một tình thế vô cùng khó khăn.

"Mặt dù gặp rất nhiều thách thức nhưng thời gian qua, cộng đồng doanh nhân thành phố đã tích cực đóng góp vào quỹ vaccine, chăm lo cho lực lượng tuyến đầu và bà con yếu thế" - ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cảm ơn những đóng góp, chia sẻ quý báu của các doanh nhân và trân trọng sự cống hiến cao cả của họ.

Trong chương trình, 10 doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021 với nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng đã được vinh danh, trong đó có ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - người đã lên tiếng về việc giá kit test nhanh Covid-19 quá cao; doanh nhân trẻ Hoàng Tuấn Anh - "cha đẻ" của ATM gạo và ATM oxy cũng đã được vinh danh.