CEO thế giới: Năm 2013 sa thải mạnh nhân sự ngân hàng

(Dân trí) - Trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa có nhiều điểm sáng, lòng tin của các CEO trên thế giới sụt giảm mạnh, nhất là tại châu Âu. Mặc dù cho biết mối quan ngại về thiếu hụt nhân tài song nhiều doanh nghiệp vẫn muốn cắt giảm nhân sự, chủ yếu là ngân hàng.

Ngày 22/1/2013, Tổ chức Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố kết quả Khảo sát CEO toàn cầu thường niên thứ 16.

Tại kết quả công bố lần này, có tới 52% các CEO cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ không có gì thay đổi trong năm 2013, thậm chí tới 28% bi quan tình hình sẽ còn suy giảm hơn nữa, và chỉ có 18% trong số các CEO tham gia khảo sát lạc quan về sự cải thiện trong tương lai.

Mặc dù quan điểm của những người đứng đầu điều hành doanh nghiệp trên toàn cầu có vẻ vẫn ảm đạm thì tỷ lệ bi quan đã giảm đáng kể so với năm ngoái, khi có 48% CEO dự đoán kinh tế toàn cầu sụt giảm trong 2012.

Gần một nửa danh sách 10 quốc gia tăng trưởng mạnh trong 12 tháng tới các nước tăng trưởng nhanh.
Gần một nửa danh sách 10 quốc gia tăng trưởng mạnh trong 12 tháng tới các nước tăng trưởng nhanh.

CEO Tây Âu đầu bảng về bi quan

Điều thú vị là, các CEO châu Phi vốn nổi tiếng với tính cách tự tin thì hiện nay lại sụt giảm, lòng tin đối với tăng trưởng doanh nghiệp đã trượt xuống còn 44% từ 57% năm ngoái.

Ít tin tưởng nhất về doanh thu trong ngắn hạn là các CEO Tây Âu. Đối mặt với cuộc suy thoái đang diễn ra, chỉ có 22% CEO tại Tây Âu cho rằng họ rất tự tin về tăng trưởng. Đồng thời, long tin cũng suy giảm ở Bắc Mỹ và tại Châu Á - Thái Bình Dương, lần lượt còn 33% và 36%.

Ngược lại, những CEO lạc quan nhất lại đến từ Châu Mỹ Latin khi đi ngược xu hướng, với 53% đặt niềm tin cho tăng trưởng ngắn hạn, tăng nhẹ so năm ngoái.

Xét về quốc gia, lòng tin về tăng trưởng biến thiên rất rộng: lòng tin này cao nhất ở Nga với 66% CEO rất tin tưởng vào tăng trưởng doanh thu trong năm 2013, theo sát là Ấn Độ (63%) và Mexico (62%).

Tiếp theo là các quốc gia như Brazil (44%), Trung Quốc (40%), Đức (31%), Hoa Kỳ (30%), Anh Quốc (22%), Nhật Bản (18%), Pháp (13%) và cuối cùng là Hàn Quốc, với chỉ 6% CEO rất tin vào tăng trưởng doanh thu trong năm tới.

Trong dài hạn, nhìn chung các CEO vẫn có lòng tin ổn định về tăng trưởng kinh tế với 46% CEO trên toàn thế giới cho biết rất tin tưởng về viễn cảnh tăng trưởng trong ba năm tới. Trong đó, dẫn đầu về sự lạc quan dài hạn vẫn là các CEO tại Châu Phi và Trung Đông (tỷ lệ lần lượt là 62% và 56%). Tại Bắc Mỹ, 51% CEO “rất tin tưởng” về tăng trưởng trong dài hạn, trong khi tỷ lệ này tại Châu Á – Thái Bình Dương là 52%. Lòng tin về tăng trưởng dài hạn yếu nhất tại Châu Âu, với tỷ lệ 34%.

Cắt giảm nhân sự là phương án khó tránh trong khủng hoảng.
Cắt giảm nhân sự là phương án khó tránh trong khủng hoảng.

Nhắm vào nơi có cơ hội để kiếm lời

Theo đánh giá của ông Dennis M. Nally, Chủ tịch PwC trong buổi công bố kết quả khảo sát tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), "Các CEO vẫn thận trọng về triển vọng trong ngắn hạn và viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, xét quan ngại của các CEO về các vấn đề như thắt chặt quản lý nhà nước, nợ của chính phủ, sự bất ổn của thị trường vốn, không có gì ngạc nhiên khi các CEO giảm lòng tin trong 12 tháng qua".

Theo đó, khi tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, các CEO thường lo lắng về nhiều vấn đề hơn so với cách đây một năm. Trên hết, 81% CEO quan ngại về tình trạng bất ổn kéo dài đối với sự tăng trưởng kinh tế.

Với một thông điệp rõ ràng gửi đến các Chính phủ, những quan ngại chủ yếu khác của các CEO bao gồm phản ứng chính sách của Chính phủ đối với thâm hụt tài chính (71%), tình trạng thắt chặt quản lý nhà nước (69%) tình trạng thiếu ổn định của các thị trường vốn (61%). Riêng tỷ lệ các CEO quan ngại về tình trạng thắt chặt quản lý nhà nước tăng đến mức cao nhất kể từ năm 2006.

Khi đề cập đến các nguy cơ lớn đối với sự tăng trưởng kinh doanh, 62% các CEO cho rằng đó là gánh nặng thuế ngày càng tăng, 58% nói đến tình trạng thiếu hụt nhân sự có năng lực và 52% dè chừng về chi phí năng lượng, nguyên vật liệu.

Để "sống sót" và phát triển vượt qua được giai đoạn hiện tại, các CEO tham gia khảo sát của PwC cho biết sẽ nhắm vào nơi có cơ hội. Trong số 68% CEO nhìn thấy nơi có cơ hội, gần một nửa dồn hy vọng về tăng trưởng vào các thị trường hiện hữu, trong khi chỉ có 25% tính đến việc phát triển sản phẩm mới, và chỉ có 17% CEO lập kế hoạch thực hiện các thương vụ sáp nhập và mua bán doanh nghiệp mới.

Đối với các CEO lập kế hoạch sáp nhập mua bán doanh nghiệp, các khu vực mục tiêu hàng đầu là Bắc Mỹ và Tây Âu, chứng tỏ các CEO đang tìm cách lợi dụng thời buổi kinh tế khó khăn để mặc cả với giá hời.

Trung Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia được xem là có tầm quan trọng cao nhất đối với tăng trưởng trong tương lai, với tỷ lệ 31% CEO có quan điểm này. Tiếp sau là Hoa Kỳ (23%), Brazil (15%), Đức (12%), và Ấn Độ (10%). Indonesia lần đầu tiên lọt vào danh sách mười quốc gia hàng đầu năm nay, cao hơn Nhật Bản 2 điểm. Tuy nhiên, trong số các công ty lớn (trên 10 tỷ USD) thì tỷ lệ CEO xem Trung Quốc quan trọng nhất là 45% trong khi Hoa Kỳ rớt xuống còn 20%.

Ngoài ra, các CEO cũng cho bết sẽ tập trung vào khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động bên cạnh việc tìm kiếm nhân tài.

Tham gia khảo sát, đa số CEO vẫn cho biết tương đối thận trọng đối với các kế hoạch tăng số lượng lao động trong năm tới. 45% CEO có kế hoạch tuyển dụng thêm trong năm 2013 (giảm so với 51% trong năm 2012) trong khi 23% có kế hoạch cắt giảm nhân sự.

Nếu xem các ngành nghề nào đang tuyển dụng thêm lao động và ngành nào đang cắt giảm việc làm sẽ thấy một bức tranh thú vị. Các CEO dễ có khả năng tăng số lượng lao động nhất thuộc khu vực dịch vụ (56%), kỹ thuật và xây dựng (52%), bán lẻ (49%) và y tế (43%).

Trong khi đó, tỷ lệ các CEO dự định cắt giảm lao động cao nhất là thuộc ngành ngân hàng (35%), các ngành luyện kim (32%) lâm nghiệp và sản xuất giấy (31%).

Các CEO cũng công nhận nhu cầu xây dựng lòng tin với các bên có liên quan khi 37% lo lắng sự thiếu lòng tin vào ngành nghề hoạt động có thể gây nguy hại cho tăng trưởng của công ty họ.

Bích Diệp