CEO D&D – “Tôi cầu toàn và …. không cầu toàn”

(Dân trí) - CEO D&D được nhiều người gọi là một “Adaptive Perfectionism”. Đây là một khái niệm do các nhà tâm lý học đưa ra chỉ những người đặt ra đòi hỏi cao cho bản thân nhưng không tự dằn vặt mình quá lâu khi thất bại.

Không theo chủ nghĩa hoàn hảo

D&D là một trong những thương hiệu uy tín về tư vấn thiết kế - thi công nội thất – xây dựng hoàn thiện tại Việt Nam. Với quy mô hơn 400 nhân sự, 3000 m2 diện tích văn phòng và 20.000 m2 diện tích nhà xưởng phục vụ sản xuất, doanh nghiệp này đang là đối tác của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Vin Group, FPT, Red Sun, Golden Gate, Auchan (Pháp), V-Lotus Nhật Bản, Samsung, Sony, Lock & Lock, Jetstar … Tuy nhiên, ông chủ của thương hiệu này lại khá “kín tiếng”. Nhiều người cho rằng đây là một người cầu toàn, vì những sản phẩm của D&D được đánh giá là “kỹ tính”, dịch vụ hậu mãi chu đáo tới từng “chi tiết”.

“Nói mình cầu toàn thì vừa đúng lại vừa sai. Đúng vì khi làm bất kỳ công việc gì mình đều toàn tâm, toàn ý, có kỷ luật. Tuy nhiên mình không phải một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, vì những người này thường đặt ra mục tiêu rất cao, nếu không đạt được, họ sẽ dễ nảy sinh cảm giác có lỗi và thất vọng về bản thân mình. Tâm lí này dẫn người đó đến việc cố né tránh sai sót hết mức, có thể không dám chấp nhận rủi ro.”

CEO Trần Mạnh Đạt – Giám đốc Công ty Cổ phần D&D
CEO Trần Mạnh Đạt – Giám đốc Công ty Cổ phần D&D

CEO Trần Mạnh Đạt là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ngay từ năm thứ ba đại học anh đã dùng nguồn vốn vay ngân hàng dành cho sinh viên lập nghiệp để xây dựng một trang trại nấm. Nhưng do tuổi đời và kinh nghiệm lúc đó còn non trẻ nên dự án thất bại, anh đã phải “cày cuốc” đến khi ra trường mới trả nợ xong vốn vay ngân hàng.. Thậm chí vì đam mê kinh doanh anh còn mang cả sổ đỏ của gia đình đi “cầm” để lấy tiền đầu tư dù kết quả không thành công.

Gặp liên tiếp thất bại khi loay hoay tìm hướng kinh doanh nhưng anh Đạt lại cho rằng, anh may mắn hơn người khác vì anh luôn suy nghĩ tích cực. Thay vì việc trách cứ hay thất vọng về bản thân thì anh coi đây là những bài học quý báu, những trải nghiệm có giá trị cho quãng đường kinh doanh sau này.

Cơ hội đến với anh Đạt khi vừa ra trường và đi làm được 2 tháng thì công ty của anh mở thêm chi nhánh khai thác các dịch vụ phi hàng không tại sân bay Liên Khương. Được phân công đi “khai phá” khi chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng anh tự tin rằng: “Người ta dám tin thì mình dám làm”. Anh lên đường, chấp nhận một mình xoay sở từ các giấy tờ pháp lý, xây dựng, thiết kế, tuyển dụng nhân sự … cho chi nhánh mới, trở thành người tiên phong mở đường cho một số chi nhánh tiếp theo.

Giai đoạn này đã giúp anh có được cái nhìn mới về thị trường nội thất do quá trình làm việc với các nhà thầu và đơn vị cung cấp mảng dịch vụ này. Anh nhận thấy thị trường tư vấn, thi công nội thất không có nhiều doanh nghiệp tham gia, năng lực của phần lớn đơn vị lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.

Do đó, anh đã quyết định cùng một vài cộng sự có chung chí hướng khởi nghiệp bằng lĩnh vực thiết kế, sản xuất và thi công trọn gói cho các công trình. Năm 2010, công Ty Cổ Phần D&D ra đời.

Lễ khánh thành nhà máy sản xuất 20.000m2 của D&D tại Long An
Lễ khánh thành nhà máy sản xuất 20.000m2 của D&D tại Long An

Thành công là một hành trình

“Cầu toàn không phải là điều xấu, bởi nếu bạn đặt mục tiêu cao hơn, đạt chuẩn mực cao hơn, bạn sẽ đạt được nhiều thành công hơn. Nhưng thực tế, đạt được mục tiêu không phải thứ duy nhất ta theo đuổi, mà thứ ý nghĩa hơn chính là quá trình để chúng ta đạt được mục tiêu và khát vọng đó.” Anh Đạt chia sẻ khi nhìn lại chặng đường 8 năm của D&D. Anh áp dụng tư duy này ngay từ những ngày đầu, khi doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về nhân sự.

D&D là doanh nghiệp chuyên về xây dựng và thiết kế nội thất – ngành đòi hỏi đội ngũ có trình độ, tư duy và tính sáng tạo cao. Thị trường mục tiêu (F&B) mà doanh nghiệp hướng tới lại yêu cầu khắt khe về tiến độ. Vì vậy, vấn đề nhân sự là cốt tử của doanh nghiệp. Trong khi đó, CEO Trần Mạnh Đạt lại không phải là người điều hành có chuyên môn về xây dựng và thiết kế nội thất, không được đào tạo bài bản về quản trị nhân sự. Làm thế nào để điều hành một đội ngũ “cứng đầu” đi được úng hướng là một bài toán khó.

“Mặc dù người quản lý nào cũng muốn đội ngũ của mình phải hoàn hảo. Tuy nhiên, bản chất thật sự của quản trị là dùng đúng người, đúng việc, đúng lúc chứ không phải bạn có thể làm gì, vì bạn không thể hoàn hảo và đội ngũ của bạn cũng vậy”.

CEO D&D mạnh dạn tập trung tìm ra điểm mạnh của mỗi nhân sự, chấp nhận rủi ro để mỗi người phát huy tối đa khả năng của mình. Anh thuyết phục nhân sự của mình, không chỉ bằng chuyên môn, mà vì biết khai thác các thế mạnh của họ, và cho họ thấy được lợi thế của doanh nghiệp và người điều hành.

Sự linh hoạt trong cách quản trị nhân sự của CEO đã góp phần đưa D&D phát triển nhanh chóng. D&D liên tục thắng thầu nhiều dự án trong nước và quốc tế. Các nhân sự tận tuỵ và kỷ luật, các quy trình nghiêm ngặt đã giúp D&D “tay không” thắng kiện một tập đoàn lớn năm 2012 do đối tác không thanh toán 50% hợp đồng.

CEO Trần Mạnh Đạt (ở giữa) tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1 (Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng Gia Media Group và Bia Hà Nội thực hiện)
CEO Trần Mạnh Đạt (ở giữa) tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1 (Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng Gia Media Group và Bia Hà Nội thực hiện)

Xây dựng được uy tín, nhận được sự bảo chứng của khách hàng, D&D tăng tốc mở nhà máy cuối năm 2017, từng bước xây dựng một thương hiệu nội thất riêng của mình. Gần đây, khi tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công, anh vui mừng chia sẻ, đầu năm 2018, nội thất D&D đã chính thức xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản, giúp anh gần hơn với mục tiêu trở thành doanh nghiệp tư vấn, thi công nội thất hàng đầu và xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam đi toàn thế giới.

“Hãy làm như một người ưa hoàn hảo nhưng mức độ chú trọng vào mục tiêu như một người “xuề xoà”, vì tôi là một Adaptive Perfectionism”.

Thạch Ngọc