CEO Châu Bá Long: "Tôi có ngày hôm nay vì tự ái câu nói “Việt Nam không làm nổi cái đinh vít"
(Dân trí) - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Châu Bá Long đã có những chia sẻ rất thú vị về ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như khát vọng của một doanh nghiệp nội địa khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Thưa ông, nói về công nghiệp hỗ trợ, có 1 câu nói mà nhiều người vẫn nhắc từ vài năm gần đây. Đó là “Việt Nam không thể sản xuất nổi dù chỉ 1 cái đinh vít”. Ông nghĩ câu nói này có còn đúng trong bối cảnh hiện nay?
Tôi cho là không, tới thời điểm hiện tại đã có nhiều đơn vị cung ứng linh kiện điện tử. Tôi đơn cử Samsung Việt Nam hiện nay không chỉ là nhà máy tập lắp ráp linh kiện điện tử mà còn là nơi trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử quan trọng. Nhờ việc trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử trọng tâm của điện thoại thông minh như: kính 3D, camera, khung kim loại, màn hình, pin…mà tỷ lệ nội địa hóa của Samsung đã tăng lên 58%. Trong số này, nhiều nhà máy trong đó có Công ty Minh Nguyên chúng tôi cũng đã tham gia ở nhiều hạng mục.
Ngoài ra, chúng tôi còn đang sản xuất sản phẩm linh kiện nhựa và khuôn mẫu chất lượng cao. Công ty cung ứng nhiều ngành công nghiệp: hàng gia dụng kỹ thuật số, linh kiện điện tử, phụ tùng xe hơi cho một số nhãn hàng nổi tiếng như Mitsubishi…
Câu nói đó tuy hiện nay đã không còn đúng với thực tế, nhưng cũng vì “tự ái” câu nói này mà chúng tôi mới có Minh Nguyên ngày nay.
- Dù vậy, thực tế, theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 DN CNHT, nhưng chỉ có khoảng 300 DN CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia. Tại sao sau nhiều năm định hướng trở thành quốc gia công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn èo uột như vậy?
Tôi cho rằng, có nhiều lý do dẫn tới vấn đề này, nhưng tới thời điểm này, chúng tôi rất cần Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ về lãi suất, tiếp cận vốn vay, chính sách vay vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ đất phát triển nhà xưởng sản xuất, các quy định về đầu tư, hỗ trợ lãi vay về nhập khẩu trang thiết bị từ nước ngoài…
Như tôi là một doanh nhân trở về từ Úc, thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn khi không biết phải xin về đất đai, rồi thủ tục về CNHT này như thế nào. Sau đó mình xin thành lập DN tại Khu CNC TP HCM. Ở đây cũng phải rất cám ơn tới UBND TP HCM, các sở ban ngành đã giúp đỡ, hỗ trợ Minh Nguyên để làm sao mình có thể đi vào sản xuất kịp thời cho bên Samsung.
CEO Châu Bá Long mong muốn của Minh Nguyên là trở thành người kết nối đa số các doanh nghiệp có cùng trong lĩnh vực ngành nghề, hoặc CNHT nói riêng.
- Theo kinh nghiệm của anh thì trở ngại nào là lớn nhất với doanh nghiệp?
Đầu tiên chính là vấn đề vốn, nếu DN không đủ vốn thì khó tiếp cận với chuỗi cung ứng vì họ sẽ có đơn hàng liên tục. Nếu họ phát triển, mình phải phát triển theo, còn nếu không đủ vốn thì không đi tiếp được nữa.
Thứ 2 là nguồn nhân lực, phải có đủ nhân lực với kiến thức và kinh nghiệm, ngay cả mấy anh em hợp tác mình cũng phải qua đào tạo để khi sản xuất sẽ giảm bớt rủi ro về vấn đề không như mong muốn trong thao tác. Để ảnh hưởng tới chất lượng thì chắc chắn sản lượng của mình sẽ không đáp ứng.
- Các DN công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa chưa là đại lý cấp 1, nên bắt đầu từ đâu để theo đuổi mục tiêu sẽ trở thành các nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn như Minh Nguyên?
+ Tôi có thể chia sẻ điều này, khi mình tham gia chuỗi cung ứng các tập đoàn, họ sẽ quan tâm mình có mindset- Tư tưởng, sự nỗ lực cố gắng của mình ra sao. Tại sao tôi lại nói từ Mindset? Tư tưởng của mình phải thay đổi, tư tưởng chịu thay đổi. Theo đó, mình sẽ phải thay đổi về công nghệ, thị trường… Hay nguồn nhân lực, nếu không đào tạo nguồn nhân lực sẽ không bám sát được công nghệ, khi ấy mình không thể sản xuất được công hàng chất lượng đạt yêu cầu của họ đề ra.
Khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng họ có rất nhiều tiêu chí đánh giá cho một DN. Muốn đạt được không chỉ là các công nhân từ cấp quản lý lên tới quản lý cấp cao, từ trên xuống dưới phải đồng lòng, cái nào mình không biết thì học, cái nào mình cần phải đào tạo.
Rất may là các tập đoàn đều có chuyên gia hỗ trợ cho mình, khi mình gặp vấn đề khó sẽ hỏi và họ hỗ trợ được gì họ sẽ nói ngay. Minh Nguyên cũng được tư vấn từ Samsung và Bộ Công Thương, Sở Công Thương. Qua các tư vấn cải tiến sản xuất, DN cố gắng học hỏi và thay đổi được sản xuất, kiểm soát chất lượng qua một thời gian đánh giá mình cải tiến, tiếp tục duy trì, họ từng bước đánh giá mình, sau đó mình có thể là cấp 2, cấp 3 từng bước hoàn thiện để thành đại lý cấp 1.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển CNHT của cộng đồng DN Việt Nam?
Theo tôi, tính ra CNHT Việt Nam Có nhiều tiềm năng để phát triển. Quan trọng là nếu mình kiểm soát được nguồn nguyên liệu vật tư đầu vào thì chắc chắn giá thành mình sẽ kiểm soát, tạo lợi thế cạnh tranh giữa các nước trong khu vực với nhau. Bên phía Việt Nam có lợi thế khác là tính tới thời điểm hiện tại thì chi phí của mình chưa phải là đắt hơn.
Vấn đề là làm sao doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được thời điểm này cân bằng được giá thành và tiếp đó là có những sự chuẩn bị tốt trong cách quản lý, quy trình sản xuất để không làm đội lên chi phí. Theo đó, chúng ta có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan.
- Minh Nguyên đã ghi tên mình "thần tốc" vào bản đồ DN CNHT. Trong ngắn hạn, trung hạn Minh Nguyên sẽ làm gì tiếp theo? Anh có thể phác họa hình ảnh Minh Nguyên trong 5 năm tới không?
Minh Nguyên tiếp cận với Samsung từ năm 2014 trước khi Samsung bắt tay xây dựng ở TP HCM. Tới 2016 được tham gia vào hệ thống CNHT cho Samsung. Hiện chúng tôi tập trung vào những mảng chính như: đồ gia dụng và visual digital, ti vi, computer, Linh kiện nhựa kỹ thuật cao... Ngoài ra, công ty cung cấp các sản phẩm như máy hút bụi, công ty sản xuất ra những mặt hàng đơn, chi tiết linh kiện…
Trong tương lai, mong muốn của Minh Nguyên là trở thành người kết nối đa số các doanh nghiệp có cùng trong lĩnh vực ngành nghề, hoặc CNHT nói riêng. Kết hợp lại tạo thành hệ sinh thái riêng. Nhưng muốn làm được điều đó thì từng doanh nghiệp phải có sự thay đổi về tư duy, định hướng, dám chấp nhận rủi ro, sự thay đổi, dám chia sẻ điểm mạnh điểm yếu của từng DN để hỗ trợ tương tác cho nhau.
Hiện tại tôi chưa nghĩ tới một tên gọi cho hệ sinh thái này, có lẽ tôi cần tư duy thêm chút nữa. Nhưng khi đó đã thành một hệ nhóm nếu mình nhận được một đơn hàng này, mình có thể chia sẻ tới các DN còn lại, người làm công đoạn đầu, người làm công đoạn cuối, nhưng người kiểm soat đầu cuối là phải là DN đầu tàu.
C.Minh