"Cây gậy" bảo vệ "thượng đế" chưa phát huy hết vai trò

(Dân trí) - Việc giải quyết tranh chấp còn lúng túng, hàng giả vẫn khó kìm do cơ chế xử phạt còn quá nhẹ... Đó chỉ là một số những bất cập rõ nhất được chỉ ra sau 1 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng (NTD) đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng để bảo vệ quyền lợi NTD trong bối cảnh các thiết chế thị trường chưa hoàn thiện, tính minh bạch chưa được đảm bảo, các “thượng đế“ luôn có nguy cơ trở thành “nạn nhân” thông qua phương thức kinh doanh gian dối, thiếu trung thực được ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi.

 

Theo số liệu báo cáo do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cung cấp, năm 2011, có hơn 550 vụ việc khiếu nại đến các Sở Công Thương (tỉ lệ giải quyết thành công là 90,2%); gần 2.000 vụ khiếu nại đến hội bảo vệ NTD các địa phương và khoảng 60 vụ khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh.

 

Mặc dù số lượng các vụ việc còn rất hạn chế nhưng có thể nói rằng bước đầu NTD đã ý thức được việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và đặt niềm tin vào các thiết chế bảo vệ NTD.

 

Bên cạnh đó, cũng đã có 10 trường hợp doanh nghiệp chủ động thu hồi sản phẩm với số lượng khoảng 15.000 sản phẩm được thu hồi do phát hiện có khuyết tật.

 

Điều này phần nào thể hiện được ý thức tự giác của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với NTD đã được nâng cao (trước đó, theo Cục này rất ít trường hợp doanh nghiệp tự giác thu hồi sản phẩm như vậy).
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa đạt được trong thực tiễn thi hành.
Xăng giả vẫn hoành hành sau khi đã có "cây gậy"

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa đạt được trong thực tiễn thi hành.

 

Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh, việc giải quyết tranh chấp của NTD bằng thủ tục đơn giản chưa được triển khai, hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD còn nhiều lúng túng

 

Lý giải điều này, Phó giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Bùi Gia Tuấn giãi bày, hiện các Sở Công thương không có bộ máy và cán bộ chuyên trách thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi NTD. Công tác này cho đến này vẫn thường được giao cho một chuyên viên của Phòng Quản lý Thương mại kiêm nhiệm nên không có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu và tham mưu cho Sở về Luật bảo vệ NTD.

 

Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh của luật này rất rộng, liên quan đến nhiều luật khác như Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật sở hữu trí tuệ… nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đồng bộ, thiếu chế tài xử lý nên bước đầu gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng có liên quan khi thực thi công vụ.

 

Từ phía doanh nghiệp, ông Morita Nguyễn, Giám đốc bán hàng của Tập đoàn Lixil Inax Việt Nam cho rằng, cơ chế xử phạt hàng giả còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ông này dẫn chứng, sau 1 năm xử lý sản phẩm sứ vệ sinh giả, kết quả hàng giả vẫn tràn lan ra thị trường bởi vì mức phạt chỉ vỏn vẹn 15 triệu đồng trong khi doanh thu hàng chục tỷ đồng.  

 

Như vậy, một khi vẫn còn "siêu lợi nhuận", vẫn còn có thể lọt lưới thì hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn khó "kìm". Lực lượng quản lý thị trường mỏng, để tránh những tổn thất và tự bảo vệ mình, NTD phải có ý thức bảo vệ mình trước tiên.

 

TS. Nguyễn Thị Vân Anh, trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quy định về trách nhiệm của Bộ Công thương, của UBND các cấp trong một số hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ NTD chưa rõ ràng và rất khó hiểu. Đến nỗi, đến nay NTD không rõ nên gửi đến cơ quan nào khi có khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ NTD.

 

Nhận xét về Luật này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam cho rằng: "Nếu xét một cách tổng quát về phạm vi ảnh hưởng thì có thể coi đây là bộ luật có độ bao phủ rộng nhất vì liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của gần 90 triệu người dân. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện nay thì sự phát huy vai trò của luật này chưa cao"

 

Theo đó, độ trễ thực hiện của luật tới 6 tháng để từ lúc ra đời cho đến lúc Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành, chưa kể thời gian có Nghị định hướng dẫn xử phạt phải mất thêm vài tháng.

 

"Do đó, nếu xét thời gian thực tế để có thể thực thi luật này một cách toàn diện thì cũng mới chỉ được 3 tháng nay" - ông Hùng nói.

 

Vì vậy, kỳ vọng thì nhiều, song xem ra việc bảo vệ quyền lợi của mình, NTD và các doanh nghiệp chân chính sẽ vẫn phải tự chủ động "cứu" lấy mình trước hết.

 

Bích Diệp