Cay đắng phận trồng rau
(Dân trí) - Không có con số thống kê cụ thể nhưng sơ bộ có thể thấy lượng người bỏ quê đến các thành phố lớn trồng rau là không nhỏ. Khi được hỏi, hầu như tất cả người nông dân đều bảo, sẽ chọn cách sản xuất an toàn nếu như được chọn lựa.
Nhưng thực tế họ có được lựa chọn hay không, khi mà phận người cột vào lá rau, cọng hành, trái ớt…? Những thân phận đó, đôi khi cũng nổi nênh như đám lục bình…
Không có chọn lựa khác
“Thuê 4.000 mét vuông, chúng tôi mất 35 triệu đồng/năm”, anh Nguyễn Văn Thống cho biết. Đã nửa năm kể từ khi anh rời Nam Định, mang theo vợ con vào TP.HCM, anh Thống cho biết, anh khá hài lòng với cuộc sống mới. Khu đất thuê anh chia cùng vợ chồng em ruột cùng làm, mang lại hoa lợi đủ để cho nuôi sống hai gia đình.
Anh kể, đất chủ giao là đất ruộng lầy, người thuê phải bỏ công cải tạo, đầu tư… cũng như dựng chỗ để ở. Vỡ hoang cả tháng trời, đầu tư thêm phân gà ủ cho đất tốt rồi đánh luống, sau đó mới bắt đầu gieo giống trồng rau. “Chưa kể công thì chi phí đầu tư cũng tròm trèm trăm triệu. Bao nhiêu của nả dành dụm ở quê, đổ vào đầu tư cho khu đất này cả”, anh chia sẻ.
Khi đất có thể bắt đầu khai thác thì đó cũng là thời gian người trồng rau “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” toàn thời gian. “Hai vợ chồng làm luôn tay luôn chân từ sớm đến chiều mới xong việc ngoài vườn. Cơm chiều xong thì lại phải đưa rau ra chợ đầu mối đến tối mịt mới xong việc của một ngày”, anh Thống nói.
Trong căn chòi khoảng 20 mét vuông, khu vực sinh hoạt của 4 người, vợ chồng và hai đứa con nhỏ chỉ gói gọn trong một góc. Phần lớn còn lại, dành để phơi rau. Anh Thống nói: “Chăm rau hơn chăm con mọn. Rau dính nước mưa vừa tơi lá, vừa dễ úng dập. Không cẩn thận là thua sạch. Phơi như vậy cho ráo nước, tối mang ra chợ là vừa”. Chỉ tay vào đám rau ngả rạp ngoài vườn, anh bảo, vừa mất trắng cả tạ rau do sâu bệnh, phun thuốc không kịp, lại gặp trận mưa quá lớn. “Chúng tôi đâu muốn dùng thuốc nhưng không thể. Bọn sâu sinh sôi nhanh lắm”, anh Thống chia sẻ.
Biết là dùng thuốc hóa học thì không tốt, nhu cầu rau sạch cũng đang tăng, vài người bắt đầu thử với phân sinh học. Chị Hoàng Thị Mai, vừa vào TP.HCM 3 tháng nay, theo em gái học nghề trồng rau cho biết, tìm hiểu trên mạng có một số phương pháp dùng phân sinh học, chị và gia đình đã thử vì có một số hộ dân đặt hàng trồng rau sạch. Kết quả là thất bại cả hai đợt vì sâu bệnh từ những vườn khác lây lan sang, thiệt hại cả công, phân lẫn giống. Chị trải lòng: “Nếu trồng được rau không hóa chất, giá bán cao hơn hẳn, lại không lo đầu ra nhưng thực tế là rất khó”.
Không biết trước ngày mai
Đầu tư gần trăm triệu cho hệ thống tưới tiêu, lưới, giống… và rất nhiều công sức cải tạo đất, vậy mà những người bỏ quê, vào TP.HCM thuê đất trồng rau không có những neo buộc chắc chắn nào. Bởi chủ đất chỉ đồng ý ở hợp đồng đầu tiên là cho thuê với thời hạn 3 năm, vì công sức và đầu tư ban đầu bỏ ra tương đối lớn. Sau đó là hợp đồng chỉ một năm, để dễ tăng giá cũng như dễ chấm dứt hợp đồng. “Hầu hết đất ở Hóc Môn đều đợi đô thị hóa, chủ đất cũng đợi thời cơ có giá là bán”, anh Thống chia sẻ.
Cách nhà vườn anh Thống không xa, khu nhà lồng hơn 2.000 mét vuông của chị Nguyễn Thị Sen cũng đang rơi vào tình trạng bị thu đất sớm hơn dự kiến. Chị rơm rớm: “Mới canh tác được 3 năm, vốn liếng đầu tư vẫn chưa lấy lại thì chủ đất đã báo sẽ kết thúc hợp đồng để sang nhượng cho chủ mới xây nhà máy xử lý rác thải”.
Từ Hà Nam vào TP.HCM, chị bảo, ở quê không có nhiều cơ hội việc làm, thuê đất trồng rau cho chị và gia đình một cuộc sống tương đối. Quan trọng hơn cả là việc được quây quần cùng chồng và hai con. Được cái, hai con của chị ngoan, hết giờ học lại ra phụ mẹ xuống giống, tưới tiêu…
Tháng sau, gia đình chị sẽ bị lấy lại đất, hai vợ chồng lại phải tất tả kiếm thuê và khai hoang lại từ đầu. “Bấp bênh như vậy nên chúng tôi có dám làm nhà cửa cho đàng hoàng đâu, cứ dựng tạm một cái chòi cho có chỗ chui ra chui vào thôi”, chị bộc bạch.
Gỗ, kèo, bạt phủ… chị bảo sẽ dỡ đi hết để sang đất mới dựng lại. Tận dụng được cái gì hay cái đó cho đỡ chi phí. Duy chỉ có việc học của con là chị không biết phải xoay sở thế nào. Chị Sen ấm ức: “Hai đứa con vừa quen bạn, quen lớp thì lại chuẩn bị phải chuyển trường vì khu đất chúng tôi sẽ thuê khá xa khu này. Hai vợ chồng lo rau lo đất, đâu có thời gian để đưa đón”.
Trời chuyển cơn mưa, hai mẹ con chị Sen lao nhanh ra vườn gia cố bạt, che chắn lại đám rau mồng tơi vừa xuống giống. Đây sẽ là mớ hoa màu cuối cùng gia đình chị thu được trên mảnh đất này. Nếu năng suất như ý, nó sẽ hỗ trợ phần nào cho gia đình chị trong những ngày khó khăn sắp tới. Còn chẳng đặng, thử thách mà họ phải đương đầu, sẽ lại nhiều hơn nữa…
Song Quý