Cầu cứu EU, hàng loạt ngân hàng Tây Ban Nha bị hạ bậc tín nhiệm
(Dân trí) - Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's vừa quyết định hạ bậc tín nhiệm đối với 28 ngân hàng lớn của Tây Ban Nha sau khi có thông tin chính phủ nước này đang cầu cứu EU hỗ trợ 100 tỷ Euro để cứu hệ thống tài chính trong nước.
Trong ngày thứ Hai vừa qua, Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha (TBN) Luis de Guindos đã gửi thư tới Chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng Euro Jean-Claude Juncker đề nghị được nhận tối đa 100 tỷ Euro cứu trợ. Đồng thời TBN cũng bày tỏ hy vọng được giải ngân trước ngày 9/7. Thế nhưng việc thiếu những chi tiết cụ thể về đề xuất này đã khiến các nhà đầu tư hoài nghi.
Ngay lập tức hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã quyết định hạ bậc tín nhiệm 28 ngân hàng của nước này trong đó có 2 nhà băng lớn nhất là Santander và BBVA. Điều này có nghĩa là các ngân hàng nêu trên sẽ phải trả chi phí cao hơn để cơ cấu các khoản nợ của mình do các nhà đầu tư sẽ đòi mức lãi suất cao hơn. Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu của các ngân hàng TBN giảm giá tới 4,9%.
Hồi đầu tháng, cơ quan này cũng đã hạ bậc tín nhiệm nợ của TBN xuống sát mức rủi ro cao nhất. “Việc chính phủ TBN bị hạ bậc tín nhiệm…ảnh hưởng tới khả năng của chính phủ trong việc hỗ trợ các ngân hàng”, thông báo của Moody’s viết. “Các khoản cho vay của các ngân hàng đối với thị trường BĐS thương mại có thể gây ra những mức tổn thất lớn hơn, làm gia tăng khả năng các ngân hàng trên phải được hỗ trợ từ bên ngoài”.
Hiện tình hình tài chính của chính phủ TBN gắn chặt với các ngân hàng nước này bởi 2/3 số trái phiếu chính phủ TBN là do các ngân hàng, các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm nắm giữ. Nếu các ngân hàng nguy khốn, khả năng TBN vỡ nợ là rất cao. Moody’s cho biết họ sẽ đánh giá tác động của hoạt động tái cấp vốn của khu vực đồng Euro đối với mức tín nhiệm của các ngân hàng cũng như các nhà đầu tư trái phiếu một khi thông tin chi tiết về số vốn cấp cho từng ngân hàng được công bố.
Bộ trưởng De Guindos cho biết kết quả kiểm toán hệ thống ngân hàng nước này được công bố thứ Năm tuần trước cho thấy các ngân hàng TBN, vốn chịu tác động nặng nề từ đợt vỡ bong bóng BĐS 4 năm trước, sẽ cần được “bơm” thêm tới 62 tỷ Euro để trụ vững nếu kinh tế nước này lâm vào suy thoái nghiêm trọng.
Theo các nhà phân tích, nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Euro-zone sẽ khó lòng vượt qua được suy thoái nếu các vấn đề của hệ thống ngân hàng nước này không được giải quyết. Các nguồn tin của chính phủ TBN cho biết dự kiến 4 ngân hàng bị quốc hữu hóa là Bankia, CatalunyaCaixa, NovaGalicia và Banco de Valencia sẽ nhận phần lớn gói cứu trợ bởi các ngân hàng này hiện cần tới 40 tỷ Euro ngay trong tháng 7 tới.
4 ngày trước quyết định hạ bậc tín nhiệm 28 ngân hàng TBN, Moody’s cũng đã có hành động tương tự với rất nhiều ngân hàng lớn nhất thế giới trong đó có các “đại gia” của ngành ngân hàng Mỹ là Bank of America, JPMorgan Chase và Goldman Sachs. Ngoài ra 4 ngân hàng Đức và 3 ngân hàng của Áo cũng đã bị hạ bậc tín nhiệm hồi đầu tháng này.
Dù vậy thì các quyết định trên không mấy gây bất ngờ cho giới đầu tư bởi hiện kinh tế thế giới đang đầy bất ổn. Khả năng đồng euro tan dã vẫn chưa thể loại trừ, kinh tế Mỹ đang giảm tốc rõ rệt trong khi các nền kinh tế mới nổi từng tăng trưởng mạnh như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc cũng đang “nguội” dần.
Theo AP