Câu chuyện quản... tiền?

Giữa bận rộn của những buổi họp tổng kết 6 tháng đầu năm, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với những người làm công tác quản lý chính sách và thanh tra của Ngân hàng Nhà nước.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

*
Bắt mạch nguyên nhân Vinatex hoãn niêm yết 3 năm

* TPBank đạt 120% kế hoạch lợi nhuận 6 tháng đầu năm

* Hạn chế nhập hàng Trung Quốc

* 800.000 thuê bao bị lừa 9 tỷ đồng có thể được hoàn tiền?

Đó là Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa và Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng. Những thông tin được chia sẻ đã có thể vẽ nên một vài lát cắt trong câu chuyện nhà băng.

“Quái nhân” đầu bạc

Phiên tòa xử ông “bầu” Nguyễn Đức Kiên đã đi đến hồi kết với bản án 30 năm tù dành cho 4 tội danh: kinh doanh trái phép; cho mượn tiền trái luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Dư luận ngạc nhiên vì không hiểu nổi là tại sao trong một thời gian không dài, “bầu” Kiên đã làm khuynh đảo thị trường tài chính tiền tệ nước nhà và khiến không ít ngân hàng đứng trước bờ vực thẳm.

Bầu Kiên tại phiên toà
Bầu Kiên tại phiên toà

Tuy nhiên, với những người làm công tác quản lý tiền tệ thì vụ án “bầu” Kiên và cả vụ Huyền Như nữa, là hệ quả tất yếu của một thời kỳ phát triển nóng nhưng quản lý chưa chặt chẽ của ngành ngân hàng. Vụ án đã để lại nhiều nghi ngại về những kẽ hở của luật pháp khi đất nước có những bước hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế, nhưng cũng không thể không nói đến sự ranh ma của một tầng lớp những người được gọi là “đại gia”. Lợi dụng sự chậm trễ vào cuộc của cơ quan quản lý, tầng lớp này đã tiến hành những hoạt động mà “pháp luật không cấm” nhưng cũng đầy rủi ro - đẩy hệ thống tiền tệ đến bờ vực sụp đổ.

Thật không ngoa khi nói rằng, trước 2011 là giai đoạn “trăm hoa đua nở” của thị trường tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau khi gia nhập, nền kinh tế phát triển nhanh, hệ thống ngân hàng có sự bứt phá mạnh, dịch vụ ngân hàng phát triển với kỳ vọng chuyển mình nhanh chóng cùng kinh tế thế giới đang trong giai đoạn “nở hoa”. Tâm lý “hết mình” cùng làn sóng đầu tư ồ ạt, chúng ta đã không thể lường trước được những cạm bẫy đã và đang chờ đợi phía trước. Và dĩ nhiên, “dòng máu” của nền kinh tế - ngành tài chính ngân hàng nhanh chóng bị “nhiễm độc” trước tiên.

Nhìn lại giai đoạn này, dễ dàng nhận thấy những bất cập trong cơ chế quản lý, những chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách, luật lệ theo kịp tình hình mới... Chính những điều này góp phần không nhỏ tạo nên những “bầu” Kiên đã lộ diện và những nhà tài phiệt hiện còn đang ẩn mình cho đến hôm nay.

Đơn cử như hoạt động ủy thác: Trước năm 2011 chỉ có mỗi một Quyết định số 742 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành cách đó... 9 năm. Quyết định chỉ đề cập đến chuyện ủy thác cho vay, nói đơn giản thế này, anh ngân hàng A - là bên ủy thác, anh này có tiền, nhưng không tiếp cận được đến khách hàng ở xa đành giao cho anh ngân hàng B - là bên nhận ủy thác có điều kiện để đến tận tay ông khách hàng kia, thực hiện từ việc cho vay đến việc thu nợ; mọi thứ xong xuôi thì ngân hàng A sẽ trả cho ngân hàng B một khoản phí. Phải nói thêm rằng, bên B - bên nhận ủy thác - bắt buộc phải có phép chức năng cấp tín dụng. Chính Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên - danh nghĩa cá nhân đi gửi tiền vào ngân hàng khác.

Hơn 10 năm, từ năm 2000 đến giữa năm 2011, hàng loạt ngân hàng cổ phần được thành lập, các chi nhánh mọc lên như “nấm sau mưa”; và hầu hết là tập trung ở các tỉnh, thành phố… Còn những nơi khó khăn về địa lý, về điều kiện phát triển kinh tế thì chẳng có ngân hàng nào mở chi nhánh hay phòng giao dịch cả.

Đã thế, chính sách tiền tệ của chúng ta thì buông lỏng đến hết mức có thể, ấy là: Không có trần, có sàn lãi suất, không có các biện pháp quản lý tỷ giá; bên cạnh đó là các văn bản pháp lý về quản lý tiền, vàng đã thiếu lại không đồng bộ và chẳng theo một quy chuẩn nào… Và thế là các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất, rồi sở hữu chéo; rồi lấy tiền gửi đi đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh vàng, bất động sản, chứng khoán… Tất cả những cái đó đã góp phần tạo nên sự hỗn loạn trong thị trường tài chính tiền tệ.
Vàng mắt vì... vàng!

Trước 2011, cả hệ thống cũng chỉ có đúng một văn bản quy định về việc kinh doanh vàng: Nghị định 174 được ban hành từ năm 1999. Nghị định này đã phân loại rõ vàng miếng, vàng trang sức, góp phần tạo cơ sở cho việc kinh doanh vàng và trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan. Nhưng... chỉ như vậy thôi. Chuyện buôn bán thế nào thì thị trường tự điều chỉnh. Thế nên mọi chuyện đã trở nên không thể kiểm soát vào năm 2008 khi khủng hoảng kinh tế toàn diện ở Hoa Kỳ và “quả bóng chứng khoán” của Việt Nam bị nổ. Sự hỗn loạn lúc này khiến vàng trở thành “nơi trú ẩn” an toàn cho những dòng vốn đang không biết chạy về đâu, từ đó giá vàng tăng phi mã. Có lúc lên xấp xỉ 1.000USD/ounce - cao nhất từ năm 1990.

Ở Việt Nam, vàng và USD trở thành kênh đầu tư thời thượng, được người người nhà nhà săn đón. Chả thế mà năm 2008, Việt Nam suýt soán ngôi của Ấn Độ trở thành nơi tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Hậu quả nhỡn tiền: vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán không thể quản lý; giới đầu cơ làm giá theo giá vàng thế giới, tạo sốt ảo. Khi giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới thì họ mang vàng ra ngoài bán, khi thấp hơn thì lại nhập về, ngoại tệ ồ ạt chảy ra nước ngoài và... chảy vào túi giới đầu cơ.
 
Ngược lại, các tổ chức tín dụng được phép cho vay và huy động vàng thì “vàng” mặt vì giá vàng “nhảy múa” điên loạn từng ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thanh khoản và an toàn của cả hệ thống. Sàn vàng mọc lên nhan nhản - nơi người dân có thể gửi vào 7 “cây” để giao dịch tới 100 “cây”. Chả có quốc gia nào mà có đến 13.700 cửa hàng buôn bán vàng. Thành phố, thị xã có hiệu buôn vàng đã đành, ngay cả các nơi “thâm sơn cùng cốc” đang “xóa đói giảm nghèo” cũng có tiệm vàng.

Thị trường vàng bị giới đầu cơ thao túng. Người dân thì cứ phát rồ phát dại chạy theo giá vàng; giá vàng nhảy múa điên loạn và vàng càng được nhập về thì càng chảy máu ngoại tệ.

Tỷ giá, lạm phát, kinh tế vĩ mô lung lay, lên xuống chưa từng thấy.

Góp phần vào sự “hoang dại” của thị trường cũng do sự yếu kém của hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng và thị trường tài chính.

Phải nói rằng, mọi sự tăng trưởng thiếu kiểm soát đều có thể dẫn đến những mối nguy hại cho cả hệ thống. Tiền ồ ạt được “bơm” vào nền kinh tế, dẫn đến sự đa dạng của các công cụ thu hút vốn như trái phiếu, cổ phiếu, hoạt động ủy thác... các tổ chức cũng có sự phát triển bùng nổ về quy mô và lĩnh vực hoạt động. Nhưng đáng tiếc là sự phát triển mới và nóng này chưa được các cơ quan quản lý về ngân hàng phát hiện và đánh giá một cách đúng mức.

Lỗi ở cơ chế

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, vào những năm đó, việc thanh tra giám sát chủ yếu tập trung vào hoạt động tín dụng và cho vay, các hoạt động khác đã bị buông lỏng. Mà trong nghiệp vụ tín dụng - huy động vốn, cơ quan thanh tra mới chỉ dừng ở quy mô... chi nhánh và cơ bản là xem họ có tuân thủ pháp luật hay không. Một mảng vô cùng quan trọng của các tổ chức tín dụng là năng lực quản lý rủi ro đã không được đề cập tới. Những cuộc thanh tra đã không quan tâm đến năng lực điều hành, các hệ thống quản trị rủi ro, hiệu lực của các hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ.
 
Thế nên, các tổ chức tín dụng tha hồ vung tay đầu tư vào doanh nghiệp qua cổ phiếu và trái phiếu, các ông bầu thì ngấm ngầm thâu tóm và nắm quyền lực tại các các ngân hàng. Mãi đến cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 28 về quản lý hoạt động đầu tư trái phiếu của các ngân hàng - trong đó quy định việc trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động này.

Sự chậm trễ của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự “ranh ma” của những kẻ cơ hội đã dẫn đến một loạt những hậu quả mà dư hại còn đến tận hôm nay.

Đầu tiên phải nói đến nợ xấu và lãi suất “trên trời”.

Sự yếu kém của cơ quan thanh tra giám sát ngày ấy và ngay chính hệ thống quản trị của ngân hàng đã dẫn đến việc các cổ đông lớn sở hữu cổ phần rất xa so với quy định. Nghe có vẻ đơn giản nhưng điều này khiến hoạt động ngân hàng bị lũng đoạn và tạo ra một cơ chế cho vay đầy rủi ro. Nắm quyền trong tay, những cổ đông lớn này có thể quyết định những khoản vay hàng nghìn tỉ - cho chính công ty “sân sau” của họ. Khoản vay này nhiều khi bất chấp các nguyên tắc quản trị rủi ro, thậm chí là quy định của Nhà nước và đổ vào các lĩnh vực “nhạy cảm” như bất động sản, chứng khoán, gián tiếp đưa đến tình trạng nợ xấu đến 40% ở một số ngân hàng năm 2012... chưa kể điều này tạo ra dòng tiền ảo và đã không giúp ích gì cho nền kinh tế.

Và thế là tiền của ngân hàng được rót vào một cái bình không đáy.

Rồi bất ngờ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 ập đến, chứng khoán lao dốc không phanh, bất động sản cũng “chồm” lên được một thời gian rồi nhanh chóng “hạ cánh”. Dòng tiền ảo trong chứng khoán được rút ra bằng tiền thật để “trú ẩn” sang vàng và đôla.
 
Theo Bảo Sơn
PetroTimes
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”