1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

(Dân trí) - Sự cải thiện hàng loạt điểm mấu chốt của thị trường chứng khoán sẽ là minh chứng cho thấy thị trường đã phát triển lên một tầm cao mới, đồng nghĩa với một sức hấp dẫn mới. Sức hấp dẫn chính là nhân tố quyết định đến việc xây dựng thị trường chứng khoán thành một kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam - 1

Hôm 21/6 vừa qua, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường kỳ dành cho 84 thị trường. MSCI đã giữ nguyên xếp hạng với Việt Nam ở tất cả các tiêu chuẩn định tính và không cho Việt Nam vào danh sách xem xét.

Trong những đánh giá chi tiết, có 1 điểm MSCI ghi nhận có sự thay đổi theo hướng tích cực đối với Việt Nam đó là mục Khả năng chuyển nhượng (nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm cần tiếp tục cải thiện). 1 điểm MSCI đánh giá có phần tiêu cực hơn so với kỳ đánh giá năm 2016, đó là mục quyền bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó ngoài việc giữ nguyên nhận xét giống 2016, MSCI đưa ra thêm quan điểm cho rằng “quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng”.

Đáng lưu ý, MSCI cho rằng, Việt Nam cần cải thiện vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài do có “một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài”. Việt Nam cũng là nước duy nhất trong 4 nước bị đánh giá cần cải thiện trong mục Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối.

Trên thế giới, các thị trường tài chính được xếp hạng vào 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), tiếp đến là thị trường mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là thị trường cận biên (Frontier Market). Có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones. Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm. Hiện tại theo tiêu chuẩn của cả 3 tổ chức xếp hạng, Việt Nam được xếp vào nhóm thấp nhất Frontier Market.

Tại báo cáo nhận định liên quan đến kết quả phân loại thị trường của MSCI do Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài gòn (SSI) vừa công bố, SSI ước tính, với tỷ trọng giả định 0,2% trong chỉ số MSCI Emerging Market Index, tổng lượng tiền mà các quỹ đang sử dụng chỉ số này làm tham chiếu phải mua các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam là 871 triệu USD.

Dòng tiền đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng đương nhiên sẽ không chỉ đến từ những quỹ đầu tư theo chỉ số mà sẽ có nhiều quỹ, nhiều nhà đầu tư khác quan tâm đến Việt Nam khi Việt Nam được nâng hạng do khi đó độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai, minh bạch của Việt Nam đã lên một tầm cao mới. Đây chính là yếu tố mang tính dài hạn của việc được nâng hạng đối với thị trường chứng khoán.

SSI cho rằng, có 4 điểm mấu chốt cần tập trung xử lý để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt nam.

Thứ nhất, đó là gia tăng quy mô có thể đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là việc nằm trong tầm tay khi đang có nhiều DNNN đang cổ phần hóa và lên niêm yết. Điều cần chú ý đó là tăng tỷ lệ tự do chuyển đổi (free float) thông qua giảm bớt tỷ lệ sở hữu nhà nước. Gia tăng quy mô có thể đầu tư là việc rất quan trọng bởi nó không chỉ giúp nâng hạng mà còn quyết định trực tiếp lượng tiền đổ vào Việt nam sau khi được nâng hạng.

Thứ 2, sử dụng tiếng Anh trong các thủ tục và công bố thông tin. Dù đây là công việc sẽ phát sinh chi phí, lợi ích mang lại sẽ lớn hơn nhiều chi phí bỏ ra. Việc có thêm nhiều thông tin bằng tiếng Anh thể hiện thiện chí nâng hạng và điều này sẽ được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao ngay cả khi chưa được nâng hạng.

Thứ 3, tạo cơ chế thông thoáng hơn trên thị trường ngoại hối. Đây là một đầu việc rất lớn, vượt ngoài tầm phạm vi của các thành viên thị trường và đòi hỏi nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị.

Thứ 4, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đánh giá doanh nghiệp Việt nam.

Ngoài ra, việc sáp nhập các sàn chứng khoán để tăng quy mô có thể đầu tư, thống nhất tiêu chuẩn minh bạch quản trị, giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đánh giá doanh nghiệp chắc chắn sẽ được MSCI ghi nhận và có ảnh hưởng tốt đến quyết định nâng hạng.

Cải thiện được 4+1 điểm mấu chốt kể trên, SSI cho rằng, chắc chắn Việt Nam sẽ được nâng hạng. Quan trọng hơn, việc cải thiện này là minh chứng cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển lên một tầm cao mới, đồng nghĩa với một sức hấp dẫn mới. Sức hấp dẫn chính là nhân tố quyết định đến việc xây dựng thị trường chứng khoán thành một kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

"Ngay cả khi chưa thể cải thiện được toàn bộ 4+1 điểm trên, thiện chí cải thiện và tiến trình thực thi cải thiện sẽ có tác động tích cực đến tâm lý chung của thị trường chứng khoán. Nâng hạng là đích cuối của con đường, quá trình đi trên con đường đó bản thân nó cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam", báo cáo của SSI nhấn mạnh.

Phương Dung