Câu chuyện bất ngờ giữa TS Nguyễn Đình Cung và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
(Dân trí) - Tại Hội nghị đánh giá lại 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp (1999) do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 18/11, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM chia sẻ sự lo lắng của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi gặp gỡ mới đây về việc doanh nhân Việt tìm thẻ xanh ở nước ngoài.
Theo ông Cung kể lại: “Hôm thứ Bảy vừa rồi (ngày 16/11), tôi có làm việc với nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.
“Bác (nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng-PV) rất trăn trở về chuyện tần suất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Bác về đời thường rồi nhưng nghe rất nhiều chuyện, có kể lại và mong muốn trong nhiệm kỳ tới, đặc biệt trong chiến lược sắp tới, phải nêu bật được vai trò của kinh tế tư nhân, phải có thiết chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh”, nguyên Viện trưởng, Viện CIEM Nguyễn Đình Cung nói.
Ông Cung kể lại những trăn trở của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi gặp: “Khu vực kinh tế tư nhân của ta, sau 20 năm (1999 đến nay - PV) có nhiều thành tựu nhưng có 2 điểm mới: một là có những tập đoàn tư nhân xuất hiện và hai là nhiều doanh nhân tìm thẻ xanh ở nước ngoài”.
“Đó là nguồn lực của ta, trí tuệ của ta, ta phải giữ lại, khuyến khích họ và làm họ lớn lên. Đây không phải tôi nói mà bác Dũng nói với tôi”, ông Cung thuật lại.
Cũng tại Hội nghị, ông Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần nói thông điệp: “Đừng sợ dân giàu”.
Theo ông Huỳnh, thông điệp này một lần nữa nói lên việc có một bộ phận cán bộ còn e ngại khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn lên, và xã hội những người giàu lên. Thậm chí xã hội e ngại những người giàu, cho rằng họ làm giàu nhờ thủ đoạn. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lệch và cổ hủ.
Trên thực tế, theo các chuyên gia kinh tế tại Hội nghị, quan điểm và cách nhìn đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cần được rộng rãi và coi nó là một động lực chính cho sự phát triển, cải cách đất nước.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng, Viện CIEM, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, kinh tế tư nhân theo các thống kê chính thức chỉ đóng góp vào GDP 9%, con số này vừa thiếu và chưa đầy đủ.
Ông này cho rằng, chính thống kê chưa đầy đủ khiến chúng ta chưa có công cụ giúp tư nhân phát triển tốt nhất, chưa thấy được sức mạnh vốn có của tư nhân để tập trung nguồn lực vào họ. Thế giới bây giờ là cuộc cạnh tranh phát triển, chứ không phải là ai là người tạo ra cạnh tranh, ai là động lực chính để chia phần.
“Quan niệm kinh tế hộ gia đình cứ 10 người lao động là được chấp nhận, nhưng tôi được biết có hộ gia đình sản xuất có đến hàng trăm, hàng nghìn lao động, họ không muốn lên doanh nghiệp. Bởi, thứ nhất, họ ở kinh tế hộ sẽ chỉ phải đóng thuế theo thoả thuận (thuế môn bài). Thứ hai là khi họ lên doanh nghiệp phải kê khai nhiều thứ phí hơn. Thứ ba là phần lớn hộ kinh doanh thiếu các kỹ năng quản trị hiện đại, nên không muốn mở rộng quy mô…”, ông Doanh nói.
Theo các chuyên gia tại Hội nghị, về cơ bản Luật Doanh nghiệp 1999 đã làm tốt vai trò, xứ mệnh của mình. Luật ra đời ngay sau đó Chính phủ cho thành lập Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp nên các thông điệp, ý tưởng của chuyên gia, của Chính phủ về đổi mới đã đi vào đời sống.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bài học thành công của Luật Doanh nghiệp là bài học cho hiện nay, khi rất nhiều Nghị định, không đi được vào cuộc sống vì các ý tưởng của lãnh đạo, của Chính phủ không được các cấp, ngành hiện thực hoá.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng: Muốn cải cách chúng ta cần có bàn tay sắt, sạch của Nhà nước để phá bỏ nhóm lợi ích đối với thi hành các Luật.
An Linh