1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cắt giảm lao động: Hợp lý, tránh vội vàng

Trong bối cảnh khó khăn, các DN đang thực hiện bài toán cắt giảm chi phí, tái cấu trúc hoạt động để tồn tại. Một trong các giải pháp được thực hiện nhiều nhất là cắt giảm lao động, nhưng việc cắt giảm lao động vội vàng, thiếu hợp lý đã khiến DN gặp không ít khó khăn.

Ồ ạt cắt giảm lao động

 

Làn sóng cắt giảm nhân công đang diễn ra khá ồ ạt trên cả thế giới. Cụ thể, Panasonic cho biết sẽ sa thải 10.000 nhân sự từ nay cho tới hết tháng 3/2013 để tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Tương tự, hồi đầu năm Kodak đã cắt giảm 2.700 nhân công trên toàn thế giới.

 

Dự kiến, đến cuối năm nay, Kodak sẽ sa thải thêm 1.000 nhân công để tái cơ cấu và tránh nguy cơ phá sản nhờ tiết kiệm được 330 triệu USD/năm. Sony cũng lên kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân viên vào tháng 3 năm tới. HP dự kiến sẽ cắt giảm tổng cộng 29.000 nhân viên trên toàn thế giới từ nay cho đến hết năm 2014 để tiết kiệm được khoảng 3,4 tỷ USD chi phí.

 

Tại Việt Nam, do sản xuất, kinh doanh khó khăn, nhiều DN cũng đã tiến hành cắt giảm nhân sự khá mạnh tay. Chẳng hạn, Công ty TNHH Viễn thông An Bình (ABTel), chủ sở hữu thương hiệu điện thoại Q-Mobile, đã tiến hành cắt giảm một lượng lớn nhân viên ở bộ phận kinh doanh, bán hàng. Để tái cơ cấu, Công ty Đóng tàu Hạ Long đã đưa ra danh sách cắt giảm 900 lao động.

 

Trong các ngành xuất khẩu tỷ USD, các DN lớn tuy có cắt giảm lao động nhưng khá ít, trong khi các DNNVV lại phải cắt giảm nhân công nhiều so với quy mô công ty.

 

Theo ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH May Bình Hòa, trong tình hình này, chỉ có những DN lớn hoặc DN có yếu tố nhà nước mới có thể trụ vững được, còn phần lớn DNNVV đã đóng cửa, số còn lại hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp sản xuất.

 

Do quá khó khăn về đơn hàng, công ty đã phải cắt giảm từ 400-500 lao động xuống còn 100 lao động. Thế nhưng, tại một số DN sau khi cắt giảm hàng loạt lao động, đến thời điểm cuối năm ký được nhiều đơn hàng, các DN lại rơi vào tình cảnh thiếu lao động trầm trọng, đã đánh mất nhiều cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh.

 

Tiết kiệm ít, thiệt hại nhiều

 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, bất cứ công ty nào khi gặp khó khăn và doanh thu sụt giảm đều nghĩ ngay tới vấn đề cắt giảm chi phí không cần thiết, trước hết là chi phí lao động. Tuy nhiên trên thế giới, các công ty sa thải lao động đều có các chính sách hỗ trợ đi kèm.

 

Còn ở Việt Nam, các công ty cắt giảm nhân lực thường không thực hiện chính sách hỗ trợ nào, nên người lao động sẽ tìm một công việc khác và không có ý định trở lại làm việc khi DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

 

Do đó, tình trạng DN thiếu lao động trong những giai đoạn cao điểm là vấn đề thường xuyên xảy ra. Đặc biệt trong thời điểm cận tết, nhiều DN đang rất cần lao động để sản xuất nhưng lại không tìm ra nguồn. Giám đốc một công ty da giày cho biết những tháng đầu năm, do thiếu đơn hàng sản xuất nên công ty đã cắt giảm gần 60% lao động. Đến nay, khi đơn hàng xuất hiện trở lại, công ty thiếu đến 200 nhân công sản xuất.

 

Nhiều DN rơi vào cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng do lỡ cắt giảm nhân sự mạnh tay.
Nhiều DN rơi vào cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng do "lỡ" cắt giảm nhân sự mạnh tay.

 

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều DNNVV khác. Trước tình cảnh này, nhiều DN phải thuyết phục đối tác cho giao hàng từng phần hoặc lùi thời gian giao hàng.

 

Sau đó, các DN này lại phải tiến hành thuê các công ty khác thực hiện gia công để đáp ứng được đơn hàng. Một DN gỗ cho biết để kêu gọi lao động trở lại làm việc, công ty phải tăng lương 20%, tăng ngày nghỉ, hỗ trợ nhà ở, xăng xe… Điều này làm lợi nhuận thu về bị suy giảm dù có đơn hàng sản xuất.

 

Theo GS. Douglas Coulter, Giám đốc điều hành quỹ Open Minds Foudation, tái cấu trúc là một giải pháp tốt nhưng nếu bắt đầu tái cấu trúc bằng cách cắt giảm lao động mà không tính toán kỹ sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Thực tế cho thấy, đa số các quyết định sa thải lao động vội vàng đều không làm giảm chi phí mà ngược lại khiến chi phí tăng lên do giữ lại những lao động lương thấp, làm việc không hiệu quả có thể dẫn đến phá sản.

 

Chẳng hạn trường hợp của Công ty Circuit City Stores, đơn vị bán lẻ hàng điện tử hàng đầu Hoa Kỳ có kinh nghiệm hoạt động hàng chục năm trên thương trường, đã tuyên bố phá sản năm 2008. Nguyên nhân là công ty cắt giảm bớt 10% lao động có kinh nghiệm nhưng lương cao để thuê đội ngũ nhân viên bán hàng mới, thiếu kinh nghiệm với giá rẻ.

 

Sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm của nhân viên mới đã kéo dịch vụ bán hàng của công ty đi xuống, không cạnh tranh nổi với các đơn vị bán lẻ như Best Buy Co., Wal-Mart Stores Inc và các cửa hàng trực tuyến, khiến doanh số sụt giảm liên tục.

 

Trong khi đó, việc cắt giảm 10% lao động cũng chỉ giúp DN giảm được 1,5% chi phí. Do đó, trước những vấn đề nhạy cảm liên quan đến nhân lực, các DN cần phải cân nhắc, tính toán kỹ để tìm ra được những giải pháp hợp tình, hợp lý.

 

Nếu cần thiết phải cắt giảm lao động, DN cần có sự bàn bạc, trao đổi với người lao động để được cảm thông, chia sẻ chứ không nên sa thải bắt buộc. Như vậy, nếu như công ty hoạt động tốt và cần nguồn lao động, có thể những nhân viên này sẽ trở lại để phục vụ.

 

Theo Đỗ Linh

Đầu tư Tài chính