1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cắt điện vì không chịu ký lại hợp đồng

(Dân trí) - Do cổ đông liên kết sản xuất không chịu ký lại hợp đồng, Công ty Cổ phần Sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm chơi "đòn hiểm" bằng cách… cắt điện sản xuất. Công ty Cơ điện Thăng Long, đơn vị bị cắt điện đành gửi đơn kêu cứu các ban ngành chức năng.

Tăng 300% tiền khấu hao hạ tầng không có căn cứ
 
Trong đơn gửi đến Dân trí, ông Phạm Đình Thái, Giám đốc Công ty Cơ điện Thăng Long cho biết, hơn một tuần nay việc sản xuất của công ty bị đình trệ, gần 100 công nhân mất việc làm do bị Công ty CP sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm (xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cắt điện vô lý.
 
Ông Thái cho biết, Công ty Cơ điện Thăng Long là một cổ đông sáng lập ra Công ty CP sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm (gọi tắt là Công ty Chèm), ký hợp đồng liên kết sản xuất từ năm 2005. Theo hợp đồng được ký kết, Công ty Chèm quản lý trạm và đường điện hạ thế để cung cấp cho bên B là Công ty cơ điện Thăng Long.
 
Tuy nhiên “từ ngày 26/3 đến nay, Công ty Chèm thường xuyên cắt điện làm đình trệ mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty chúng tôi. Việc cắt điện này để gây sức ép buộc chúng tôi phải ký vào bản hợp đồng mới với nhiều điều khoản vô lý, thay cho bản hợp đồng cũ đã hết hạn”, ông Thái cho biết.
 
Cắt điện vì không chịu ký lại hợp đồng - 1

Sản xuất của Công ty Cơ điện Thăng Long bị đình trệ do bị Công ty Chèm cắt điện sản xuất.
 
Theo bản hợp đồng liên kết sản xuất số 309 CT/HĐ, ngày 11/8/2005 giữa Công ty Chèm với Công ty Cơ điện Thăng Long thì đến tháng 8/2008 hợp đồng sẽ hết hạn và hai bên tiếp tục gia hạn hợp đồng mới.
 
Tuy nhiên, đến tháng 4/2009, tức là hơn nửa năm trôi qua, cả 2 bên đều không ký được hợp đồng liên kết sản xuất mới do không ai chịu ai về các điều khoản mà hợp đồng đưa ra.
 
Theo ông Phạm Đình Thái, trong bản hợp đồng mới Công ty Chèm đòi tăng giá tiền sử dụng đất (tức tiền khấu hao hạ tầng) lên 4.000 đồng/m2/tháng, tăng hơn 300% so với mức giá hiện nay mà Cơ điện Thăng Long phải nộp cho Công ty Chèm.
 
“Năm 2007 chúng tôi phải trả tiền sử dụng đất 10.000 đồng/m2/năm, tức là tầm 800 đồng/m2/tháng. Đến năm 2008 Nhà nước tăng 60% thuế sử dụng đất thì chúng tôi cũng đã đồng ý trả tiền sử dụng đất lên 16.000 đồng/m2/năm, tương đương 1.300 đồng/m2/tháng.
 
Nhưng bây giờ Công ty Chèm bỗng tăng lên 4.000 đồng/m2/tháng mà không đưa ra được những lý do hợp lý cho việc tăng đột biến này nên chúng tôi không chấp nhận ký vào hợp đồng, vậy là bị Công ty Chèm cắt điện”, ông Thái bức xúc.
 
Ông Thái cũng cho biết thêm, theo hợp đồng 309, tiền khấu hao liên kết sản xuất theo hợp đồng, từ năm thứ hai trở đi, chỉ khi nhà nước thay đổi giá thì hai bên bàn bạc cụ thể, thống nhất điều chỉnh cho tương ứng và phù hợp.
 
“Việc tự ý đưa ra mức giá của Công ty Chèm là không có cơ sở nên chúng tôi vẫn chưa thỏa thuận được về việc gia hạn hợp đồng. Trong hợp đồng ghi rõ, nếu có tranh chấp thì hai bên ra tòa kinh tế để giải quyết và Công ty Chèm không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng như không có quyền cắt điện cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chúng tôi”, ông Thái khẳng định.
 
Hợp đồng cũ là… trái pháp luật (?!)
 
Để làm rõ hơn sự việc, PV Dân trí đã liên lạc với ông Hạ Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm để tìm hiểu thông tin.
 
Ban đầu, ông Dũng cũng muốn trao đổi thẳng thắn về sự việc nhưng không hiểu vì lý do gì, khi PV đến ông lại cử ông Hoàng Quang Hồng, Trưởng phòng tổ chức và ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Công đoàn giải trình vụ việc.
 
Theo trả lời của ông Hồng, việc Công ty Chèm đưa ra mức giá khấu hao hạ tầng lên 4.000 đồng/m2/tháng là nhằm tránh cho Công ty thoát khỏi tình trạng liên tục bù lỗ trong suốt 3 năm qua, khi hợp đồng cũ chỉ tính giá khấu hao hạ tầng chỉ 800 đồng/m2/tháng.
 
“Hợp đồng 309 được ký hồi ấy là hợp đồng… trái pháp luật, nên giờ chúng tôi phải ký lại để khắc phục hậu quả. Chứ không thì Công ty Chèm càng làm càng lỗ mà thôi”, ông Hồng trần tình.
 
Theo ông Hồng, hợp đồng 309 ký kết giữa Công ty Chèm với Công ty Cơ điện Thăng Long trái pháp luật, không phù hợp với tình hình thực tế là do tính giá khấu hao hạ tầng quá thấp, không đồng nhất, hợp lý giữa các cổ đông với nhau.
 
“Hợp đồng ký kết xác định thời gian liên kết sản xuất lâu dài, 3 năm thì ký một lần là không đúng bởi bây giờ chúng tôi còn đang phải đi thuê đất thì làm sao cho cổ đông liên kết sử dụng lâu dài được”, ông Hồng cho biết.
 
Về việc cắt điện của Công ty cơ điện Thăng Long, ông Hồng khẳng định sẽ còn tiếp tục cắt tiếp nếu như ông Phạm Đình Thái, Giám đốc Công ty Cơ điện Thăng Long cố tình không hợp tác trong việc ký hợp đồng mới.
 
“Chúng tôi đưa ra mức 4.000 đồng/m2/tháng là mức dự kiến, còn bốn nghìn, ba nghìn hay hai nghìn đồng thì ông Thái cũng phải ngồi lại mà thỏa thuận, đàm phán hai bên. Ông Thái là đơn vị cổ đông hết hợp đồng trước, lại đang là ủy viên của HĐQT Công ty Chèm, lẽ ra cần phải gương mẫu chấp hành như nghị quyết đại hội cổ đông đã thống nhất. Đằng này ông cứ không chịu hợp tác, vì vậy chúng tôi còn cắt điện dài dài”, ông Hồng khẳng định.
 
Tuy nhiên, về những trả lời của đại diện Công ty Chèm, ông Phạm Đình Thái cho rằng, việc Công ty Chèm làm ăn thua lỗ, liên tục bù lỗ nhiều năm không phải là căn cứ để buộc cổ đông của mình gánh chịu hậu quả.
 
“Cái tôi cần là Công ty Chèm phải đưa ra được những lý do, căn cứ xác đáng trong việc tăng tiền khấu hao hạ tầng, chứ không thì hôm nay đề nghị 4.000 đồng/m2/tháng, hôm sau lại đề nghị…40.000 đồng thì chúng tôi cũng phải chịu sao ?”, ông Thái bác lại.
 
Theo ông Thái, trong khi những tranh chấp và mâu thuẫn phát sinh ở hợp đồng chưa được thỏa thuận được, Công ty Chèm không có quyền cắt điện làm đình trệ hoạt động của Công ty Cơ điện Thăng Long.
 
“Nếu hai bên không tự giải quyết được thì tôi đề nghị đưa ra tòa kinh tế giải quyết. Mọi phán quyết của tòa án là quyết định cuối cùng và các bên chịu trách nhiệm thi hành”, ông Thái khẳng định.
 
PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong thời gian tới.
 
Sông Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm