“Cắt bỏ” 2/3 số phòng lưu trú: Thế khó của Quy hoạch Sơn Trà
(Dân trí) - Phương án quy hoạch là giảm quy mô phòng lưu trú từ 5.049 phòng vốn đã được TP Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xuống chỉ còn 1.600 phòng. Như vậy, có khoảng 2/3 số lượng phòng của các dự án vốn đã được chính quyền địa phương phê duyệt sẽ phải cắt giảm.
Chiều nay (28/5), chính quyền thành phố Đà Nẵng có sẽ có cuộc họp ngay tại Hà Nội để báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề liên quan đến quy hoạch bán đảo Sơn Trà.
Trước đó, trong ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có cuộc thị sát tại bán đảo này với tư cách cá nhân và Đà Nẵng cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn để bàn về phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Nhiều nội dung được kỳ vọng tại cuộc họp chiều nay khi mà chỉ mới vài ngày trước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) đã có báo cáo lên Thủ tướng một số vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Bản báo cáo của Bộ VHTT-DL nêu ra một số dữ liệu rất quan trọng: “Không giống nhiều quy hoạch khác, khi lập Quy hoạch Sơn Trà, đã có nhiều dự án được chấp thuận đầu tư, trong đó, có dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, có dự án đang đầu tư dở dang, có dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư nhưng chưa triển khai, có dự án mới được đưa vào danh mục đầu tư”.
Cụ thể, trước thời điểm tiến hành lập quy hoạch này (tức tháng 12/2013), thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận cho đầu tư 25 dự án tại bán đảo này, trong đó có 18 dự án vào lĩnh vực du lịch. Trong số 18 dự án này có 11 dự án đã được phê duyệt đầu tư với quy mô 5.049 phòng lưu trú.
Phương án quy hoạch là giảm quy mô phòng lưu trú từ 5.049 phòng vốn đã được TP Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xuống chỉ còn 1.600 phòng. Về quy mô số phòng lưu trú này, Bộ VHTT-DL khẳng định đã trao đổi và thống nhất với TP Đà Nẵng.
Nếu không có quy hoạch này, Bộ VHTT-DL nhận định, quy mô phòng lưu trú tại Sơn Trà sẽ “không chỉ dừng lại ở con số 5.049 phòng mà có thể còn cao hơn nữa”.
Như vậy, khi thực hiện quy hoạch, trên thực tế sẽ có dự án được tiếp tục triển khai, có dự án phải điều chỉnh quy mô, có dự án sẽ không được triển khai. Việc xử lý từng dự án cụ thể thuộc trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng và đã được quy định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Theo kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nên giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà.
Tuy nhiên, ý kiến này có thể dẫn đến một số hệ quả: Đối với các dự án đang xây dựng dở dang thì phải tháo dỡ toàn bộ; đối với các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thì phải hủy bỏ. Bộ VHTT-DL thì cho rằng, đây là vấn đề phức tạp cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhất là khi các dự án này được cấp phép trước thời điểm lập quy hoạch. UBND TP Đà Nẵng đang rà soát và sẽ có đề xuất cụ thể. Không rõ, vấn đề này có được Đà Nẵng báo cáo chiều nay hay không?
Hồi cuối tháng 3, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Thành ủy Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng, đề nghị xem xét để công ty tiếp tục triển khai dự án. Đây là đơn vị đã có hành vi xây dựng 40 móng biệt thự không phép thuộc Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa và bị UBND quận Sơn Trà ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng.
Vẫn chưa có phản hồi từ lãnh đạo Chính phủ cũng như chính quyền địa phương về kiến nghị nói trên. Song có thể thấy, việc tháo gỡ những “nút thắt” pháp lý liên quan đến các dự án này không hề đơn giản, nhất là khi bản quy hoạch “động chạm” trực tiếp đến lợi ích của các chủ đầu tư do phải cắt giảm tới khoảng 2/3 số lượng phòng của các dự án vốn đã được chính quyền địa phương phê duyệt.
Bích Diệp