Cấp phép dự án: Doanh nghiệp địa ốc "than" 9 năm chưa xong thủ tục

(Dân trí) - Để có giấy phép dự án, doanh nghiệp dài cổ chờ 6 tháng đến 1 năm, cá biệt có doanh nghiệp 9 năm chưa xong thủ tục.

Dài cổ chờ giấy phép

Mặc dù đã có những thông thoáng nhất định khi thực hiện chính sách một cửa một dấu, thế nhưng nhiều doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TPHCM đều than thở về thủ tục hành chính còn quá nhiêu khê. Tại buổi đối thoại giữa Sở Xây dựng TPHCM và các doanh nghiệp địa ốc được tổ chức gần đây, đại diện các doanh nghiệp đều "than ngắn, thở dài" vì việc cấp phép dự án quá nhiêu khê.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành cho rằng, từ khi Sở Xây dựng TPHCM áp dụng mô hình một cửa một dấu, tình hình có được cải thiện nhiều hơn nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Để xin giấy phép dự án, doanh nghiệp phải mất từ 6 tháng đến 1 năm trời.

"Chúng tôi ôm hồ sơ đi hết cơ quan này đến cơ quan khác mà vẫn chậm được giải quyết. Thời gian chờ đợi đó, doanh nghiệp phải gồng mình gánh chi phí lao động. Đến khi dự án đủ điều kiện khởi công thì lỡ mất thời cơ thị trường", đại diện công ty Lê Thành nói.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết sẽ nghiên cứu, xin ý kiến của Bộ Xây dựng về việc cấp phép xây dựng phần móng trước
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết sẽ nghiên cứu, xin ý kiến của Bộ Xây dựng về việc cấp phép xây dựng phần móng trước

Ông Dương Quốc Hùng, đại diện Công ty địa ốc Thảo Điền nói như "khóc" với tình cảnh bị "neo" giấy phép khi dự án chuyển đổi chủ đầu tư.

Theo đó, công ty Thảo Điền bắt đầu đầu tư dự án nhà ở xã hội có diện tích 5.000m2 tại khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Bình, Q.9) từ năm 2009 nhưng đến nay mới được UBND TPHCM ra văn bản chấp thuận đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường đã trình UBND TPHCM giao đất. Tuy nhiên, mới đây dự án lại tiếp tục tắc vì UBND TPHCM lại ra văn bản yêu cầu thanh tra Công ty cổ phần địa ốc 10 (Res 10) đến khi nào thanh tra xong rồi mới được giao đất.

Ông Hùng cho biết, đất làm dự án là của doanh nghiệp, nằm trong dự án Bắc Rạch Chiếc do Công ty CP Địa ốc 10 xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính. Tuy nhiên, Công ty CP Địa ốc 10 không có đủ năng lực nên doanh nghiệp đã xin tách dự án ra, nhưng vẫn bị dính thanh tra theo nhà đầu tư chính.

Như vậy, sau gần 9 năm trời đi xin với cả trăm văn bản liên quan, các thủ tục gần như hoàn chỉnh, bây giờ lại phải dừng lại chờ thanh tra.

Liên quan đến dự án Bắc Rạch Chiếc, đại diện Công ty cổ phần Him Lam cũng bị dính một dự án 3 ha. Là nhà đầu tư thứ cấp và đền bù giải phóng mặt bằng hoàn tất từ năm 2002, hạ tầng nội khu 3 ha này đã làm xong nhưng đến nay vẫn phải chờ.

“Công ty Địa ốc 10 được Thủ tướng Chính phủ giao đất và sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính thì bàn giao cho thành phố để giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp. Song Công ty Địa ốc 10 không làm được hạ tầng nên dự án kéo dài làm ảnh hưởng đến các dự án của những nhà đầu tư thứ cấp. Nguyên nhân chính là do chủ đầu tư chính không có năng lực thực hiện. Điều này khiến chúng tôi rất mệt mỏi”, đại diện Him Lam nói.

Bất cập lớn đối với các doanh nghiệp địa ốc hiện này còn nằm ở khâu kiểm tra thẩm định dự án. Luật quy định dự án cấp 1 (24 tầng trở lên) thì thẩm quyền này thuộc Bộ Xây dựng. Theo đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Xây Dựng Sài Gòn, hiện nay, hầu hết các dự án chung cư tại TPHCM đều thuộc dạng dự án cấp 1.

"Việc chờ đợi kiểm tra thẩm định mất rất nhiều thời gian. Có những dự án phải nghiệm thu phê duyệt từng giai đoạn. Mỗi lần như vậy chủ đầu tư phải đón cán bộ từ bộ vào, lo nơi ăn chốn ở và chi phí đi lại, tốn kém và phiền hà vô cùng", đại diện công ty này nói.

"Cởi trói" cho doanh nghiệp

Trước việc doanh nghiệp phản ánh dự án 9 năm với cả trăm văn bản mà vẫn chưa xong, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM đề nghị làm rõ thông tin này để minh bạch, công bằng và để “cơ quan báo chí và dư luận không hiểu nhầm”.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, khu dân cư Bắc Rạch Chiếc được giao cho Res 10 đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng sẽ bàn giao lại cho thành phố và khi đó mới tiến hành bàn giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, khi mới được giao chủ trương đầu tư hạ tầng, Res 10 đã tự ý “cắt” đất giao cho các doanh nghiệp khác. Đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành được hạ tầng, kể cả phần giải tỏa kết nối giao thông, người dân có đất trong dự án bị giải tỏa đang khiếu kiện khắp nơi. Chính sai phạm trên của Res 10 đã khiến việc giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp bị “tắc”.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng cho biết, với dự án của Công ty Cổ phần Thảo Điền, Sở đã trình UBND TPHCM giao đất nhưng thành phố chỉ đạo phải thanh tra Công ty Địa ốc 10 trước khi giải quyết. Như vậy, không phải câu chuyện chín năm chưa xong giấy tờ mà vấn đề là sau khi được chấp thuận đầu tư lại bị ách tiếp.

Việc cấp phép cho các dự án địa ốc vẫn còn khá nhiêu khê
Việc cấp phép cho các dự án địa ốc vẫn còn khá nhiêu khê

Cũng tại buổi đối thoại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, sắp tới sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng phân cấp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm tra, thẩm định dự án. Tùy đặc thù của địa phương để phân cấp. Nếu để tình trạng này kéo dài thì dự án bị ùn ứ, khổ sở rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch HoREA cho rằng, rất cần thiết cấp phép xây dựng cho phần móng trước để doanh nghiệp ép cọc, thử tải cọc… hơn là phải chờ duyệt thiết kế cơ sở, duyệt thiết kế kỹ thuật, rồi mới cấp giấy phép xây dựng. Nếu có sự linh động như vậy thì việc triển khai dự án sẽ nhanh hơn so với thủ tục hiện tại từ 6 - 9 tháng.

Trước kiến nghị trên, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, việc chưa áp dụng triển khai cấp phép thi công phần móng là do vướng luật. Trong khi đó, thực tế có vài trường hợp doanh nghiệp dù chưa được cấp phép xây dựng, kể cả cấp phép xây dựng phần móng nhưng chủ đầu tư đã tiến hành ép cọc đại trà, làm tường vây, buộc Sở phải xử lý ngưng thi công.

"Rõ ràng nhu cầu thực tế là có. Tôi tiếp nhận góp ý này và sẽ nghiên cứu, xin ý kiến của Bộ Xây dựng, nếu có sớm cũng phải trong năm 2018", ông Tuấn nói.

Liên quan đến việc gộp 3 thủ tục duyệt thiết kế cơ sở, duyệt thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng, lãnh đạo TPHCM cho biết, nếu trước đây tiến hành trong 133 ngày, với 3 bước thì từ ngày 1/8 gom lại một cửa và cấp phép trong 42 ngày làm việc. Thủ tục này sẽ được thí điểm thực hiện trước tại Sở Xây dựng, cuối năm nay tổng kết nếu “ổn” sẽ triển khai đại trà ở các quận, huyện.

Công Quang