Hà Nội: Kiên quyết không cấp phép dự án mới cho doanh nghiệp chây ì thuế
(Dân trí) - Làm việc trực tiếp với 20 doanh nghiệp nợ đọng thuế phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn, lãnh đạo Hà Nội cho biết, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thuế, thành phố kiên quyết không cấp phép thêm các dự án mới, thậm chí tiến hành các biện pháp cưỡng chế, không cho thi công tiếp nếu không nộp tiền nợ thuế như cam kết.
Năm 2016, công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng trên địa bàn Hà Nội được đánh giá có nhiều kết quả tích cực: Cục Thuế Thành phố đã thu được 12.671 tỷ đồng tiền thuế nợ năm trước chuyển sang; số nợ trên địa bàn Thành phố đến 31/12/2016 đã giảm 14,3% so với thời điểm 31/12/2015.
Mặc dù số nợ trên địa bàn đã có xu hướng giảm so với các năm trước, tuy nhiên, nợ thuế vẫn là thách thức lớn trong năm 2017 để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn.
Mới đây, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội cùng một số sở, ban, ngành liên quan đã mời và làm việc trực tiếp với 20 doanh nghiệp nợ đọng thuế phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn để nắm bắt nguyên nhân, tình hình nợ và đôn đốc thu nộp vào NSNN. Trong đó bao gồm 14 chủ đầu tư dự án còn nợ tiền sử dụng đất với số nợ 3.631 tỷ đồng và 6 doanh nghiệp nợ thuế, phí lớn với số nợ 134 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc này, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, tính đến ngày 27/3, số nợ thuế trên địa bàn là 17.526 tỷ đồng, giảm 1.062 tỷ đồng so với 31/12/2016. Trong đó, nợ thuế, phí là 5.501 tỷ đồng, giảm 88 tỷ đồng so với 31/12/2016.
Riêng các khoản nợ liên quan đến đất là 5.191 tỷ đồng, giảm 1.010 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó, nợ tiền sử dụng đất là 3.458 tỷ đồng, giảm 750 tỷ đồng so với 31/12/2016; nợ tiền thuê đất, mặt nước là 1.515 tỷ đồng, giảm 260 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016; nợ tiền sử dụng đất phi nông nghiệp là 218 tỷ đồng.
Công tác thu hồi nợ thuế đòi hỏi các Sở, ban, ngành phải thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nợ thuế; thu nhập thông tin phản hồi của người nộp thuế để xác định chính xác nguyên nhân nợ thuế. Từ đó, có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế phù hợp với từng trường hợp cụ thể, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp đã trình bày tình hình hoạt động, khó khăn mà đơn vị đang gặp phải và các nguyên nhân dẫn đến việc nợ thuế. Ngoài các nguyên nhân khách quan về tình hình kinh tế, cơ chế chính sách thì ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa thực sự cao, một số doanh nghiệp còn chây ì, chưa nộp thuế đúng thời hạn, lợi dụng chính sách hỗ trợ, tháo gỡ của nhà nước.
Sau khi lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ và quy định của pháp luật sớm có biện pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các chủ đầu tư dự án, các doanh nghiệp. Đồng thời cho biết, thành phố cũng sẽ tăng cường công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng.
Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo Cục thuế TP. Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ theo đúng quy trình, thực hiện phân loại các khoản nợ có khả năng thu hồi và các khoản nợ chây ì cần có giải pháp quyết liệt. Chính quyền các quận huyện tích cực đôn đốc doanh nghiệp thực hiện tiến độ nộp theo cam kết, trường hợp các doanh nghiệp không chấp hành sẽ kiên quyết đình chỉ, cưỡng chế.
“Nếu doanh nghiệp nào không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thuế, thành phố kiên quyết không cấp phép thêm các dự án mới, thậm chí tiến hành các biện pháp cưỡng chế, không cho thi công tiếp nếu không nộp tiền nợ thuế như cam kết”- ông Toản nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp cũng đã có cam kết trong vòng 6 tháng đầu năm 2017 sẽ nộp hơn 2.400 tỷ đồng trên số thuế còn thiếu vào NSNN.
Bích Diệp