Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: Thu phí 5,5 tỷ đồng, trả lãi 8 tỷ đồng/ngày
(Dân trí) - VIDIFI cho biết, với số tiền hụt 2,5 tỷ đồng/ngày (khoảng 900 tỷ đồng/năm), lãi vay chiếm 94% chi phí trong giai đoạn vận hành tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời thì sẽ phá vỡ phương án tài chính dự án, làm mất cân đối nghiêm trọng tài chính của chủ đầu tư này.
Các bộ, ngành chưa thống nhất phương án hỗ trợ
Gửi kiến nghị tới Hội nghị giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp (DN) năm 2017 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/5 tới đây, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) bày tỏ mong muốn, Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan liên quan có thể giúp DN này trong công tác tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tổng các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 300 triệu USD, bao gồm 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức.
Liên quan đến khoản vay này, Bộ Tài chính đã có văn bản số 1626/BTC-QLN ngày 14/11/2016 xin ý kiến các bộ ngành liên quan về dự thảo cơ chế chuyển đổi, hỗ trợ đối với nguồn vay nước ngoài đầu tư cho dự án.
Theo đó, VIDIFI chịu trách nhiệm trả nợ lãi, việc trả nợ gốc được bố trí bằng vốn ngân sách qua Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, ngày 13/1/2017, tại văn bản số 348/BKHĐT-KTĐN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) lại chưa thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính. Cụ thể, bộ này cho rằng, “nhiều cơ quan chủ quản, trong đó có Bộ GTVT hiện đang gặp khó khăn trong cân đối kế hoạch vốn nước ngoài… Do đó, đề xuất đưa các hợp phần được thực hiện bằng vốn vay Hàn Quốc và Đức trong dự án vào kế hoạch đầu tư công của Bộ GTVT là khó có cơ sở để bố trí được vốn”.
Hiện nay, thủ tục tái cơ cấu đối với các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD của dự án này vẫn chưa được thực hiện.
Tại báo cáo kiểm toán dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ngày 20/1/2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện Quyết định số 746/QQĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
VIDIFI cho biết, hiện nay, các chỉ tiêu tài chính thực tế tương đối sát với dự kiến trong phương án tài chính cập nhật của dự án được Bộ GTVT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Riêng các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án theo Quyết định 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa được thực hiện (bao gồm khoản hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 4.069 tỷ đồng, khoản tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD).
Thu 5,5 tỷ đồng tiền phí mỗi ngày không đủ trả lãi
Theo VIDIFI, nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án không được bố trí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ gây khó khăn rất lớn: Tác động nghiêm trọng, thậm chí phá vỡ phương án tài chính dự án, sẽ làm mất cân đối nghiêm trọng tài chính của tổng công ty này.
Hiện nay, số thu phí từ 2 tuyến đường bình quân là 5,5 tỷ đồng/ngày, lãi vay phải trả khoảng 8 tỷ đồng/ngày, số tiền hụt là 2,5 tỷ đồng/ngày (khoảng 900 tỷ đồng/năm), lãi vay chiếm 94% chi phí trong giai đoạn vận hành tuyến đường cao tốc.
Theo VIDIFI, do số vốn đã cho vay dự án chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nếu các khoản hỗ trợ không được cấp theo Quyết định 746/QĐ-TTg sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của VDB.
Hiện tại, dự án đã có các nhóm nhà đầu tư nước ngoài từ Ấn Độ, công ty tư vấn đầu tư từ Úc quan tâm, xúc tiến chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, chủ cao tốc Hà Nội – Hà Phòng lo ngại, trong quá trình đàm phán, nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước không được thực hiện sẽ không chỉ ảnh hưởng đến dự án này mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng mà Nhà nước đang quan tâm, khuyến khích.
Ngoài ra, “nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước không được cấp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút các DN đầu tư theo hình thức PPP mà Chính phủ đang quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt là chủ trương thu hút DN vào đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam”, theo VIDIFI.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng. Năm 2016, mặc dù đạt doanh thu thuần 1.430 tỷ đồng, tăng 11,8 lần so với mức 121 tỷ đồng của năm 2015 (thu về khoảng 4 tỷ đồng/ngày), tuy nhiên, chủ đầu tư này vẫn lỗ trước thuế tới 1.756 tỷ đồng.
Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng đã đưa ra đánh giá với dự án này như sau: "Phương án tài chính được lập dựa trên cơ sở tính toán, dự báo. Một số nguồn thu, hỗ trợ thực tế chưa có, do đó chưa đủ cơ sở để đảm bảo khả năng hoàn vốn, phát huy hiệu quả".
Thực tế nợ gốc tại thời điểm 31/12/2015 là 27.558 tỷ đồng nhưng trên phương án tài chính xác định là 32.123 tỷ đồng.
Sau khi điều chỉnh một số thông số đầu vào của phương án tài chính theo số liệu kiểm toán tại thời điểm 30/9/2016, thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 8 tháng 27 ngày (giảm 1 năm 3 tháng 3 ngày so với phương án tài chính điều chỉnh của dự án đang trình Bộ GTVT thẩm định).
Bích Diệp