Cạnh tranh truyền hình: “Cú hích” không thể phớt lờ

(Dân trí) - Chính sách giảm giá mạnh nhưng vẫn giữ và tăng thêm giá trị cho thuê bao của K+ được đánh giá sẽ tác động mạnh tới thị trường truyền hình trả tiền (THTT) và "mở cửa" cho nhiều người tiếp cận với TH số.

Trong lúc không ít người lo lắng về cơ hội được xem Euro 2012 và World Cup 2014 vì giá bản quyền quá cao và có khả năng không nhà đài nào có thể chi trả mức phí này, PV đã trao đổi với K+ về việc họ có tham gia mua bản quyền những giải đấu này. Ông Manuel Rougeron, Giám đốc điều hành công ty VSTV cho biết ngay từ đầu K+ đã không tham gia thương vụ này cũng như các giải đấu mang tính quốc gia, dân tộc cao như Olympic, Asiad, Asian Cup hay AFF Cup.
 
Cạnh tranh truyền hình: “Cú hích” không thể phớt lờ  - 1

Theo lý giải của K+, thông lệ mua bán bản quyền TH quốc tế các giải đấu như vậy. TH quảng bá sẽ mua bản quyền để phục vụ những giải đấu này để phục vụ số đông người dân. Còn các giải đấu giữa các câu lạc bộ sẽ thường được ưu tiên bán cho các nhà cung cấp THTT sau đó mới đến TH quảng bá.

Tuyên bố này của K+ giúp cho khán giả TH ở VN, vốn vẫn quen với việc xem TH quảng bá, cảm thấy đỡ "ngột" hơn với câu chuyện bản quyền và quyền được xem thể thao qua TH.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ THTT khác có lẽ không thấy thoải mái như vậy với động thái mới về giá của K+.

Với việc tái cơ cấu các gói kênh, khán giả có thể tiếp cận với K+ và "quyền" xem bóng đá các giải châu Âu ở các mức độ khác nhau dễ dàng hơn tùy theo thu nhập và nhu cầu của từng hộ.

Theo K+, việc tung gói Access+ sẽ mở ra cơ hội cho khán giả THTT được xem TH chất lượng cao với mức chi phí dễ chịu, và các đối tượng thu nhập trung bình, ở các tỉnh cũng có thêm một lựa chọn tốt khi quyết định mở ví cho THTT.

Theo đánh giá của một số chuyên gia bán hàng, với việc bán các gói kênh linh hoạt (từ 3 tháng, 6 tháng) và hệ thống K+ Store ở nhiều TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng... và hệ thống đại lý trên toàn quốc, K+ sẽ thu hút được nhiều thuê bao mới trong phân khúc thu nhập trung bình.

Điều này cũng có nghĩa, sẽ có nhiều người tiếp cận với TH số hơn, chuẩn bị cho cuộc chuyển giao lịch sử từ TH tương tự (analogue) sang TH số, vốn được ấn định vào thời điểm 2020 theo quy hoạch của Chính phủ.

Lợi thế của TH số so với TH tương tự đã rõ, song có một rào cản khiến mọi người lựa chọn là với mỗi thuê bao, họ chỉ được sử dụng một TV sau mỗi bộ giải mã. Đặc điểm cố hữu này, mặc dù đúng với ý nghĩa của THTT thực thụ, nhưng lại tạo cảm giác không thoải mái với phần đông khách hàng. Hiện chưa thấy các nhà cung cấp dịch vụ TH số khác có động thái gì về việc này, nhưng K+ đã tuyên bố sẽ triển khai dịch vụ multiroom, cho phép nhiều TV cùng sử dụng chung một thuê bao trong một, hai tháng tới.

Sau chiến dịch giảm giá để "đánh" vào phân khúc người thu nhập trung bình của K+, chưa rõ các dịch vụ THTT khác sẽ phản ứng thế nào. Song theo nhận định, các đối thủ của K+ khó có thể ngồi yên trước viễn cảnh "miếng bánh" thị phần chỉ còn khoảng 10 năm để định hình ngôi thứ.

PV