1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT):

Cảnh giác với rau, củ quả từ Trung Quốc

Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, việc hàng Trung Quốc vào nhiều, nếu không kiểm soát xuể đương nhiên nguy cơ vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ tăng.

Cảnh giác với rau, củ quả từ Trung Quốc
 
Ông Hồng cho biết, kiểm dịch thực vật và ATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu áp dụng thông tư 13 của Bộ NN&PTNT.

 

Các quy định của Việt Nam hài hòa với các nước, tức là khi nông sản của mình xuất sang nước họ thế nào, thì mình cũng có hình thức kiểm tra như vậy.

 

Vì sao thời gian qua nhiều hàng nông sản Trung Quốc tràn ngập ở Việt Nam, thưa ông?

 

Việc hàng nông sản Trung Quốc vào Việt Nam nhiều là do quan hệ thương mại, thị trường và phụ thuộc vào mùa vụ. Chẳng hạn đến mùa vải của Việt Nam, hàng của ta sang Trung Quốc rất nhiều, tương tự thanh long, dưa hấu cũng như vậy. Khi thị trường có sức mua cao thì hàng các nước sang nhiều.

 

Hàng rau, củ, quả không phải là hàng cấp hạn ngạch nhập khẩu, nên do sự điều tiết của thị trường.

 

Năm nhóm hàng nông sản Trung Quốc vào Việt Nam lớn nhất là táo, cam quýt, lê, dưa vàng và nho. Hầu hết mặt hàng này vào Việt Nam bằng đường chính ngạch. Chỉ tính qua cửa khẩu Lạng Sơn, từ đầu năm tới nay, hàng về khoảng 160 nghìn tấn.

 

Rau quả Trung Quốc tràn ngập thị trường.
Rau quả Trung Quốc tràn ngập thị trường.

 

Hàng nông sản Trung Quốc vào nhiều như vậy, hàng nông sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

 

Việc xuất, nhập là theo quy luật thị trường. Hàng mình muốn tăng sức cạnh tranh, thì người sản xuất phải nâng cao chất lượng, cải thiện về giá.

 

Tất nhiên, hàng nước ngoài vào nhiều, nhất là nông sản, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ trong nước.

Cục BVTV cho biết, từ tháng 7 đến 10/8, cơ quan BVTV đã lấy 104 mẫu hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, trong đó phát hiện 3 mẫu vi phạm, có dư lượng vượt mức tối đa cho phép. Có 2 mẫu nho nhập từ Trung Quốc (qua cửa khẩu Lào Cai) có dư lượng chất difenoconazole và cypermethrin, gấp 3-5 lần so quy định; 1 mẫu khoai tây cũng của Trung Quốc, nhập qua cảng Sài Gòn, có dư lượng cholorpyrifos ethyl gấp 3 lần quy định. Cục đã chỉ đạo các đơn vị xử lý theo đúng quy định.

 
Việc kiểm soát ATTP ra sao, khi vừa rồi, phát hiện nhiều lô hàng có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép?

 

Khi lượng hàng vào nhiều, mối nguy cơ sẽ cao hơn. Vì thế, phải tăng cường về vấn đề kiểm dịch thực vật và ATTP. Hàng vào bao nhiêu, chúng tôi sẽ lấy mẫu, phân tích theo quy đinh.

 

Nếu vi phạm, sẽ tăng tần suất kiểm tra, tiếp tục vi phạm sẽ đuổi hàng về, thậm chí, dùng biện pháp tạm dừng.

 

Qua kinh nghiệm, thông tin của các nước, hiện Việt Nam đã nâng kiểm soát từ 25 lên gần 30 hoạt chất có nguy cơ trên hàng nông sản từ Trung Quốc để kiểm tra.

 

Còn hàng từ các nước phát triển, qua kiểm tra thực tế không có vi phạm thì lượng hoạt chất kiểm soát sẽ ít đi, chẳng hạn hàng của Mỹ, New Zealand, Úc khoảng 15 hoạt chất; còn các nước châu Phi, xuất sang là 20 hoạt chất.

 

Lâu nay, nhiều người tiêu dùng vẫn lo ngại dùng hàng rau, củ quả Trung Quốc chứa chất độc hại, ông đánh giá thế nào?

 

Vừa qua, ở Trung Quốc xuất hiện một số sự cố về ATTP, như trong sữa có melamine, cải thảo có formaldehyde, táo có chứa chất arsen và thiram.

 

Việc lo ngại của người tiêu dùng, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước khác là điều dễ hiểu.

 

Chúng ta nên lưu ý cảnh giác. Khi kiểm tra ATTP từ các nguồn hàng khác nhau, cần phân tích nguy cơ, nguồn nào có nguy cơ cao, sẽ tăng cường tần suất lấy mẫu hơn, kiểm soát hoạt chất của nó nhiều hơn.

 

Cục BVTV thường xuyên bám sát, theo dõi động thái của các nước nhập hàng từ Trung Quốc, nếu có sự cố về ATTP, mà các nước có chương trình giám sát quốc gia về hàng nhập khẩu, họ cũng kịp thời thông báo cho Việt Nam.

 

Mặt khác, hợp tác với Trung Quốc, chúng ta biết sử dụng loại thuốc gì, trên táo, lê...

 

Theo Phạm Anh

Tiền Phong

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm