Cảnh báo nguy cơ xuất hiện "bong bóng" bất động sản, chứng khoán

An Linh

(Dân trí) - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định nguy cơ "bong bóng" tài sản hình thành, trong đó chủ yếu là bất động sản và chứng khoán.

Các chuyên gia của VEPR cảnh báo tình trạng sốt đất ảo ở nhiều nơi và thị trường chứng khoán có nhiều biến động khiến nguy cơ luồng tín dụng chuyển vào nhiều lĩnh vực quá cao, gây rủi ro. Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I của VEPR, sáng 20/4. 

Cảnh báo nguy cơ xuất hiện bong bóng bất động sản, chứng khoán - 1

VEPR cảnh báo nguy cơ xuất hiện bong bóng trên thị trường bất động sản, chứng khoán (Ảnh minh họa).

Chính vì vậy, VEPR kiến nghị tiếp tục các chính sách quản lý lãi suất và tỷ giá ổn định, chặn sốt ảo đất để tránh hệ lụy.

Thực tế ngoài vàng, thị trường tài sản trải qua năm 2020 khá yên ắng. Bước sang năm 2021, thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể do trở thành nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn.

Ngoài ra, vốn rẻ từ năm 2020 đến nay đã khiến dòng tín dụng không đi trực tiếp vào nền sản xuất mà chủ yếu đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu và giao dịch tài sản như chứng khoán, bất động sản.

Bên cạnh đó, nhiều loại tài sản trên thị trường tăng giá đủ lớn để tạo hiệu ứng đầu tư của người dân. Điều này dẫn tới sự lan tỏa của một số luồng tín dụng, vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư.

Theo PGS, TS Phạm Thế Anh, trong bối cảnh nền sản xuất chưa được cải thiện, một số lĩnh vực còn khó khăn, chính sách tiền tệ cần được điều tiết linh hoạt. Trường hợp này sẽ khó khăn cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ bởi có thể tác động xấu đối với một số doanh nghiệp muốn hồi phục sản xuất. Tuy nhiên, nếu thực hiện chính sách tiền tệ thả lỏng, dễ dãi, nguy cơ rủi ro sẽ xuất hiện đối với một số ngành, lĩnh vực, có thể xuất hiện nguy cơ "bong bóng" tài sản.

Viện VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 có thể đạt con số hơn 6 - 6,3%/năm, mức cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,93% so với năm 2020. Yếu tố tăng trưởng cao được cho là sự hồi phục của nền kinh tế, yếu tố vắc xin và đặc biệt là việc mở cửa đối với khách du lịch do hộ chiếu vắc xin.

VEPR cho rằng việc giãn, giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.