Tiền dồn dập đổ vào bất động sản gây "sốt" đất, chuyên gia nói lời gan ruột
Một trong những nguyên nhân khiến giá đất "sốt" thời gian qua được xác định là do lãi suất ngân hàng thấp, từ đó dòng tiền ào ạt đổ vào đất.
Từ đầu năm đến nay, giá đất liên tục tăng nóng ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chính theo các chuyên gia là môi giới đẩy giá lên cao trước những thông tin quy hoạch. Bên cạnh đó vẫn còn lý do khác, đó là các ngân hàng liên tục hạ lãi suất đã đẩy dòng tiền tiết kiệm ra thị trường nhanh hơn, vào kênh chứng khoán và đất đai.
Trong bối cảnh này, có ý kiến cho rằng nên tăng lãi suất trở lại để ngân hàng hút vốn, tạo nguồn lực thúc đẩy tín dụng phát triển kinh tế, đồng thời chặn đứng tình trạng "sốt" đất.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, trong việc góp phần giảm cơn "sốt" đất, việc tăng lãi suất không phải là giải pháp căn cơ, hiệu quả.
"Những người đi vay tiền để đầu cơ (cơn sốt đất hiện tại mang tính đầu cơ - PV) sẵn sàng trả một lãi suất cao để vay tiền và "xuống tiền" mua đất, thành ra việc có tăng lãi suất đến đâu chăng nữa cũng không thể trở thành công cụ chặn cơn sốt đất", ông Hiếu nói.
Thưa ông, nếu việc tăng lãi suất để chặn cơn sốt đất là không hiệu quả, theo ông thì đâu là giải pháp căn cơ?
- Chính quyền các địa phương phải xem những giao dịch mua bán diễn ra thế nào, ở những địa điểm có được phép mua bán hay không. Thời gian qua, cò đất khắp nơi cứ dựng lên bàn giấy rồi kêu nhà đầu tư xuống tiền trong khi tư cách pháp lý không có. Địa phương cần phải kiểm soát và kiểm soát việc này quá dễ dàng, không phải là bán hàng rong chạy chỗ này, chỗ kia đâu mà không quản lý được? Buôn bán đẩy giá kiểu đó đều có bàn giấy, có công ty… mà sao địa phương không nắm được?
Thành ra, chính quyền địa phương phải kiểm soát các giao dịch đất đai này, diễn ra trong khuôn khổ pháp lý thế nào, nếu thấy có hiện tượng cò mồi đẩy giá lên thì phải có những biện pháp xử lý những trường hợp đó.
Thứ 2, đối với các nhà đầu tư đất thì cần cẩn trọng, bởi các đợt sốt đất như thế tạo ra sự thiệt hại cho mình mà thôi. Thực tế, nhà đầu tư tranh nhau mua nhưng trong 10 người thì có đến 7 người là "tay trong", họ đẩy giá lên và mình nhảy vào là thua.
Về phía các ngân hàng thương mại cũng phải góp phần vào việc ngăn cơn "sốt" này. Đó là có cho vay mua đất thì cũng phải điều tra kỹ lưỡng, điều tra vùng đất đó có giá trị thế nào, tính pháp lý thế nào… để cho vay. Đó là sự hợp tác của rất nhiều phía, tất cả mọi thành phần đều phải tham gia thì mới chặn đứng được, chứ lãi suất không phải là công cụ.
Có ý kiến cho rằng quy mô dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao so với quy mô nền kinh tế, ông nhận định thế nào về việc này?
- Theo thông tin thì mức tăng trưởng tín dụng quý 1/2021 chỉ mới hơn 3%, đây không phải là mức quá cao. Nếu theo tiến độ thế này thì mức tăng trưởng tín dụng năm nay trên 10%, mà để hỗ trợ một nền kinh tế có tăng trưởng 6% GDP thì thông thường tín dụng phải tăng đâu đó khoảng 15% để hỗ trợ nền kinh tế.
Thông thường, tôi hay dùng công thức 2,5 lần tăng trưởng tín dụng để đáp ứng tăng trưởng GDP, có lẽ trong bối cảnh hiện tại thì tăng trưởng tín dụng cũng bình thường thôi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cẩn thận vì từ đây đến cuối năm còn 3 quý nữa, nếu lạm phát tăng thì phải giảm nhiệt trên thị trường tín dụng.
Theo tôi, để ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ phải cố gắng không đảo chiều chính sách tiền tệ, không tăng lãi suất.
Hiện các ngân hàng đều được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng, theo ông liệu đây có phải là giải pháp tốt để kiểm soát lạm phát và lưu lượng tiền tệ?
- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nên dùng trần tín dụng, mà dùng các công cụ khác để kiểm soát lạm phát và lưu lượng tiền tệ. Nhiều ngân hàng đến cuối năm phải xin tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, cho nên tốt nhất nên để cho mỗi ngân hàng tự điều chỉnh tăng trưởng theo khả năng kinh doanh của mình.
Tất nhiên, NHNN sẽ kiểm soát các ngân hàng thông qua các chỉ số như chỉ số LDR (dư nợ tín dụng/vốn huy động), chỉ số thanh khoản, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, chỉ số an toàn vốn. Những chỉ số này sẽ kiểm soát tốt hơn là dùng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Tại TP.HCM, theo số liệu của HoREA, nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, cao hơn tỉ lệ nợ xấu 2,25% của tổng dư nợ tín dụng. Con số này, theo HoREA, vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng tiềm ẩn rủi ro khi đáo hạn khoản vay.
Còn theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu bất động sản cả nước tính đến tháng 12/2020 khoảng 1,85%. Con số trên dù thấp hơn nhiều so với năm 2017 (2,48%), năm 2018 (1,95%) song có dấu hiệu tăng so với tháng 12/2019 (1,58%).
Theo Quốc Hải
Dân Việt