1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cảnh báo nạn “quan bà”

Đang có hiện tượng “quan bà” - phu nhân của quan chức cùng làm ăn với DN để DN lấy làm bình phong...

“Có thực tế là nếu doanh nghiệp (DN) không có mối quan hệ lợi ích với một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thì khó có thể nhận được các dự án. Từ đó hình thành các nhóm lợi ích không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị. Thậm chí có DN còn bỏ tiền mua phiếu cho quan chức leo cao hơn”.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) Lê Hồng Liêm phát biểu tại hội thảo “mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với DN để trục lợi” do UBKTTƯ tổ chức ngày 5/4 tại TP Đà Nẵng.

 

Quan chức thành “sân sau” của DN

 

Theo ông Liêm, hiện có tình trạng một số cán bộ, đảng viên có chức quyền đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp, đặc biệt là câu kết làm “sân sau” cho một số DN để trục lợi. mối quan hệ không bình thường giữa quan chức và DN đang diễn ra dưới nhiều hình thức, thủ đoạn. Tuy vậy, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các mối quan hệ kiểu này còn rất hạn chế.

 

“Đang có những quan chức quyền hành như “thái thượng hoàng”, nói gì cấp dưới phải nghe răm rắp, tự ý bố trí nhân sự, đất nông nghiệp sờ sờ ra đó nhưng vẫn chuyển sang đất chuyên dùng để thu lợi cho DN hàng trăm tỉ đồng, còn DN thì lại quả vài căn nhà tiền tỉ cho quan chức. Mỗi lần làm từ thiện thấy các DN bỏ ra vài tỉ đồng thấy to lắm nhưng tiền họ nhận được từ mối quan hệ với quan chức lớn hơn rất nhiều” - ông Liêm nói.
 
Cảnh báo nạn “quan bà”

 

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng khi UBKTTƯ đưa việc này ra nghiên cứu là đã chạm đúng vào một trong những vấn đề nhức nhối, nổi cộm trong xã hội hiện nay, đó là vấn đề nhóm lợi ích và lợi ích nhóm.

 

“Đánh đổi việc DN phải chung chi một khoản lại quả, hoa hồng, cổ phần hậu hĩ là cán độ, đảng viên có chức quyền sẽ rất nhẹ tay trong khâu thẩm định dự án, sẵn sàng cho qua những bất cập nhãn tiền. Ngược lại, cố tình gây khó khăn đến mức làm nản lòng các DN khác. Ngoài ra, có những cán bộ, đảng viên vì nhóm lợi ích còn tạo thế chính trị cho một số doanh nhân hữu danh vô thực, thông qua việc đỡ đầu để họ trực tiếp tham chính vào cấp ủy hoặc các cơ quan dân cử” - ông Tiếng chỉ rõ.

 

“Quan bà” trở thành bình phong

 

Ông Trần Văn Tư, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cũng cảnh báo: “Đang có hiện tượng “quan bà” - phu nhân của quan chức cùng làm ăn với DN để DN lấy làm bình phong. Tôi thấy một số bà suốt ngày cứ kè kè bên DN. Các DN khác họ nhìn vào cũng nghi ngại, e dè vì thấy một số DN toàn đi với chị hai, chị ba...”.

 

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Cần Thơ, cho rằng cần phải hết sức lưu ý đến những quan chức có vợ con tham gia kinh doanh, lập DN “sân sau”. “Nói là vợ con làm nhưng thực ra ông này điều hành là chính. Dạng quan chức có vợ con kinh doanh kiểu này nhiều lắm. Khi DN đứng tên vợ con, người thân thì họ dễ đưa dự án, công trình về nhà lắm” - ông Thạnh nói.

 

Ông Thạnh cũng lưu ý đến mối quan hệ không bình thường giữa DN với cán bộ hưu trí cấp cao còn quyền lực. “Các DN cũng thường tiếp cận các cán bộ hưu trí này để gửi gắm, nhờ vả việc nọ việc kia. Mỗi khi vị cán bộ hưu trí này ốm đau, sổ mũi lại đưa xe cộ đến đưa rước. Rồi còn các DN mỗi lần tiếp quan chức lớn lại tìm cách chụp ảnh, phóng to lên treo trong phòng làm việc để khoe khoang. Nhiều người nhìn vào cũng thấy ngại, có chút gì đó phải suy nghĩ” - ông Thạnh nêu.

 

Tạo môi trường công khai, minh bạch

 

Nói về tác hại của mối quan hệ không bình thường giữa quan chức với DN, ông Liêm chỉ rõ điều này làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư và niềm tin của nhân dân. Sự thất thoát trong các dự án để “bôi trơn” hệ thống công quyền là rất lớn nhưng vẫn chưa được ngăn chặn đẩy lùi.

 

Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội, cũng cho rằng mối quan hệ không bình thường giữa quan chức với DN để trục lợi là đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích chính đáng của đại đa số người dân.

 

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Dực đề nghị: “Cần triệt để cải cách hành chính, công khai, minh bạch các hoạt động như kinh tế, tài chính, công tác cán bộ trong các cơ quan nhà nước và DN. Tạo sự bình đẳng trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội nhằm triệt tiêu các điều kiện tồn tại và phát triển của những mối quan hệ không bình thường này”.

 

Theo ông Tiếng, tìm giải pháp phòng, chống mối quan hệ không bình thường giữa quan chức với DN để trục lợi cần lưu ý đến phương châm “đập chết chuột mà không làm bể đồ quý giá”. Còn ông Thạnh thì cho rằng “cần phải gút lại một số vụ việc để xử lý dứt điểm. Phải bắt, đưa một số quan chức tham nhũng ra xét xử nghiêm minh để răn đe”.

 

 Nhận diện ba nhóm quan hệ gây nguy hại

 

Có ba nhóm mối quan hệ không bình thường giữa quan chức và DN gây nguy hại cho quốc gia gồm:

 

- Nhóm nguy hiểm số một là chung lợi ích. Những quan chức này sẵn sàng lấy lợi ích nhân dân, Nhà nước ra để làm lợi cho lợi ích nhóm và cá nhân. Thậm chí họ sẵn sàng bán đổi cả lợi ích của nhân dân, Nhà nước miễn là có lợi cho họ. Nhóm này không còn đại diện cho nhân dân, cho Nhà nước nữa.

 

- Nhóm thứ hai là nhũng nhiễu DN để được bôi trơn, ăn phần trăm. Có một số đối tượng còn đòi trắng trợn, thậm chí đòi ăn chia 50% tiền trốn thuế của DN.

 

- Nhóm thứ ba là đe dọa trắng trợn có tính chất cưỡng đoạt DN. Những đối tượng này tiếp xúc trực tiếp với DN để làm tiền.

 

Để giải quyết các vấn đề trên phải tập trung cao độ cho việc phát hiện và xử lý. Theo đó, phải thực hiện quyết liệt bốn giải pháp:

 

- Một là tăng cường công tác luân chuyển cán bộ và chế độ nhiệm kỳ. Mạnh dạn luân chuyển ngay những cán bộ bị dư luận nhân dân, báo chí phản ánh.

 

- Hai là phải tăng cường chuyển các vụ việc sang xử lý hình sự. Khi cán bộ, đảng viên có dấu hiệu hình sự thì phải chuyển sang xử lý hình sự ngay. Giảm bớt việc phải xin phép trước khi xử lý để tránh tình trạng “chìm xuồng”.

 

- Ba là tăng cường công tác truy tố, điều tra và tập trung xử lý các vụ án có cán bộ, đảng viên sai phạm.

 

- Bốn là để tránh tình trạng bao che và có quá nhiều sự can thiệp thì cần phải lập ban chỉ đạo với cơ chế điều tra đặc biệt để chuyên xử lý các vụ án loại này. Khi xét xử phải nghiêm minh, siết chặt các tiêu chí giảm nhẹ tội đối với các cán bộ trong các vụ án tham nhũng.

 

Ông Nguyễn Thế Bình, Vụ trưởng Vụ I (phụ trách những vụ án tham nhũng nghiêm trọng), Ban Nội chính Trung ương

 

Theo Lê Phi

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm