Cảnh báo một dịch vụ chứng khoán mới
5 năm sau ngày khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM, 6 ngày sau khi sàn thứ cấp (OTC) Hà Nội hoạt động, người đầu tư chứng khoán Việt Nam còn được biết đến một “sàn OTC” khác với cái tên rất ngoại: Vietstock OTC.
Bản chất hoạt động của Vietstock OTC và thách thức mà nó đặt ra đối với các cơ quan quản lý hữu quan là vấn đề rất đáng quan tâm.
Theo nội dung Thỏa thuận sử dụng trên trang chủ của Vietstock OTC (www.oma.com.vn) mà bất kỳ ai cũng phải chấp nhận nếu muốn đăng ký làm thành viên để tham gia mua bán chứng khoán trên “sàn” Vietstock OTC thì Vietstock OTC là nơi “cung cấp dịch vụ thuê chỗ đấu giá chứng khoán trực tuyến”.
Nhưng thực chất, có phải Vietstock OTC chỉ là địa chỉ Internet "để bất kỳ ai đáp ứng các yêu cầu của Vietstock OTC có thể chào bán, chào mua, trao đổi các loại cổ phiếu (quyền mua) chưa niêm yết vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu theo hình thức "đấu giá trực tuyến"?.
Nghe “đấu giá trực tuyến” có vẻ “sành điệu” nhưng cũng gây hiểu lầm cho bạn, vì ở đây chẳng có gì gọi là “đấu giá” như bạn đã biết; chỉ đơn giản là người ta rao mua, rao bán cổ phiếu như những món hàng mà thôi.
Để trở thành thành viên và chọn cho mình một cái “nick” như “ngáo ộp” chẳng hạn để “dọa” người khác cho vui khi rao giá mua bán, bạn sẽ phải trả một khoản tiền gọi là “phí đặt chỗ”. Điều thú vị là Vietstock OTC thu tiền của bạn nhưng “trong trường hợp các thành viên có tranh chấp, Vietstock và các nhân viên sẽ không liên đới trách nhiệm trong các tranh chấp đó”.
Chưa hết, “khi đăng ký thành viên của Vietstock OTC, bạn phải chấp nhận những rủi ro liên quan đến thông tin mà bạn sử dụng và Vietstock không chịu bất kỳ trách nhiệm nào khi bạn sử dụng các thông tin trên website của chúng tôi”.
Đến đây, hẳn không quá khó để bạn nhận ra Vietstock OTC là một cái “chợ” cổ phiếu ảo, và doanh nghiệp tư nhân dịch vụ thông tin tư vấn tài chính Việt (Vietstock Pte) có giấy phép thiết lập website trên Internet số 536/GP-BVHTT do Bộ Văn hoá Thông tin cấp ngày 02 tháng 11 năm 2001 là người tổ chức ra cái chợ này.
Việc Vietstock Pte mở cái chợ này về bản chất chẳng khác gì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán ở TPHCM hay Hà Nội. Sự khác biệt ở đây là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hoạt động theo pháp luật, còn Vietstock OTC thì cứ tự nhiên “mọc” ra.
Vietstock Pte sử dụng công nghệ thông tin để đưa người mua, người bán cổ phiếu trực tiếp đến với nhau, bỏ qua nguyên tắc trung gian trên thị trường chứng khoán.
Thực chất Vietstock OTC là một loại hình dịch vụ chứng khoán, do đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Ngoài việc thu phí giao dịch, Vietstock thậm chí còn làm dịch vụ chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu và nhận tiền ký quỹ của thành viên để đảm bảo thanh toán cho giao dịch.
Tuy nhiên, cái chợ Vietstock OTC này hiện tại hoạt động chẳng theo bất kỳ một nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người đầu tư nào. Chưa nói đến chuyện giá cổ phiếu trên Vietstock OTC được “làm” như thế nào, chẳng ai biết tiền ký quỹ của các thành viên được quản lý ra sao.
Bạn hãy thử hình dung điều gì sẽ xảy ra khi một cái chợ chứng khoán hoạt động không theo một khuôn khổ pháp lý rõ ràng?
Trên thế giới, sự phát triển của công nghệ thông tin trong những thập kỷ qua đã làm thay đổi cấu trúc của thị trường chứng khoán, đặc biệt là những thách thức được tạo ra đối với vai trò trung gian của công ty chứng khoán.
Tại Mỹ, sự ra đời và phát triển của các mạng giao dịch điện tử (ECN - Electronic Communication Network, hay ATS – Alternative Trading System) đã cho phép các nhà đầu tư chuyên nghiệp giao dịch trực tiếp với nhau. Các mạng giao dịch điện tử này thậm chí còn giao dịch cả những cổ phiếu được niêm yết trên các SGDCK (20% tổng khối lượng giao dịch các cổ phiếu niêm yết trên NYSE được thực hiện bên ngoài sàn NYSE).
Tất cả các mạng giao dịch điện tử này đều phải được Ủy ban Chứng khoán Mỹ cho phép và giám sát hoạt động, và chỉ dành riêng cho đối tượng khách hàng nhất định (thường là các nhà đầu tư có tổ chức). Xu thế phát triển tương tự cũng sẽ diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam, và Vietstock OTC là một ví dụ.
Dù chỉ mới manh nha nhưng rõ ràng vấn đề Vietstock OTC đặt ra thuộc lĩnh vực chính sách quản lý Nhà nước, vì vậy cần được nhìn nhận và giải quyết một cách thấu đáo. Vietstock OTC không chỉ là sự thách thức đối với thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Là cơ quan cấp giấy phép hoạt động cho Vietstock Pte, Bộ Văn hóa Thông tin sẽ làm gì khi các nội dung thông tin Vietstock Pte được phép cung cấp có thể tác động đến rất nhiều người nhưng điều kiện sử dụng thông tin của Vietstock Pte lại ghi rõ: “Vietstock Pte và các bên cung cấp thông tin cho Vietstock Pte sẽ không chịu trách nhiệm do bất kỳ sai sót hoặc chậm trễ trong việc cung cấp thông tin, giá cả hay dữ liệu, hoặc bất kỳ hành động liên quan nào phát sinh trách nhiệm của Vietstock Pte.”?
Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì khi một doanh nghiệp tư nhân chỉ có giấy phép cung cấp thông tin qua Internet như Vietstock Pte lại có thể thực hiện cả dịch vụ thanh toán tiền cho các giao dịch tài chính? Bộ Thương mại, Bộ Công an sẽ làm gì khi có những dấu hiệu lạm dụng về hoạt động thương mại điện tử?
Trong thời buổi Internet và điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, để bảo vệ những người sử dụng thông tin, những người tham gia vào các hoạt động đầu tư tài chính, rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý chức năng và cả các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nhưng trước hết, đối với những ai có ý định thử những sân chơi như Vietstock OTC, hãy “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”!
Theo TBKTVN