Cảnh báo "bóng ma" lạm phát từ rủi ro tăng giá thuốc

(Dân trí) - Mặc dù lạm phát trong nửa đầu năm đã được kiểm soát tốt chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm duy trì mức thấp, song rủi ro lạm phát vẫn còn rình rập với diễn biến giá thuốc và dịch vụ y tế - thủ phạm đẩy CPI đột biến hồi tháng 9/2012.

Ngay khi Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng nhẹ so với tháng trước, chuyên gia Eugenia Fabon Victorino của Ngân hàng ANZ lập tức đã có báo cáo cập nhật nhanh về tình hình lạm phát tháng 6 của Việt Nam. 

Theo đó, chỉ số CPI trong tháng 6 đã tăng 6,69% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ 6,36% của tháng 5 và cũng cao hơn mức "kỳ vọng" của thị trường chỉ vào khoảng 6,65%.

Cảnh báo bóng ma lạm phát từ rủi ro tăng giá thuốc
Sau nửa năm, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã tăng tới13,88%, trong đó dịch vụ y tế tăng 17,39%.

Nếu tính theo tháng, so với tháng 5, CPI chỉ tăng nhẹ 0,05% và mức này cho thấy tình trạng lạm phát đã quay trở lại sau khi giảm phát 0,06% hồi tháng 5, chủ yếu do chỉ số giá ở nhóm nhà ở chỉ tăng nhẹ và nhóm hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục đà đi xuống.

Nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỉ trọng lên tới 39,93% rổ tính giá CPI và theo quan sát, lạm phát nhóm hàng này mặc dù vẫn ở mức âm 0,08% nhưng đã cao hơn mức âm 0,35% hồi tháng trước.

Trước số liệu này, chuyên gia ANZ cho rằng, lạm phát trong năm nay sẽ ở trong khoảng từ 6-8%. Áp lực lên lạm phát chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến giá lương thực, thực phẩm. Trong trung hạn, cầu nội địa yếu sẽ tác động tới giá cả mặt hàng này, tuy vậy, nhìn chung với tình hình giá cả của nhóm hàng này hiện nay đang bắt đầu cho thấy tiêu thụ nội địa phần nào đã hồi phục nhẹ.

Tại báo cáo, chuyên gia Eugenia Fabon Victorino của ANZ cũng đưa ra cảnh báo, rủi ro lạm phát trở lại trong thời gian tới vẫn còn nếu giá thuốc và dịch vụ y tế còn tăng. Giá cả mặt hàng này chính là nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI của Việt Nam đã bất ngờ tăng mạnh 17% trong tháng 9/2012. Tính đến thời điểm hiện tại, giá thuốc mới chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, thấp hơn so với mức tăng 1,58% hồi tháng 5. Tuy vậy, mức tăng so với đầu năm đã lên tới 13,88%, trong đó dịch vụ y tế tăng 17,39%.

VAMC chưa đủ dọn sạch nợ xấu

Ngoài ra, đánh giá về chính sách tiền tệ, vị chuyên gia cũng đưa ra nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay cho đến hết năm. Sau khi cắt giảm tới 800 điểm cơ bản (tức 8 điểm phần trăm)  lãi suất trong năm 2012, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Đến cuối tháng 5/2013, tín dụng ra nền kinh tế mới chỉ tăng 2,98%, tuy vẫn cao hơn so với mức tăng 0,56% cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2012. Cùng với nỗ lực chống đô la hóa, tăng trưởng tín dụng đồng VND đã tăng 5,48% trong khi tín dụng ngoại tệ giảm tới 8,41%. Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 12% và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm nay.

Báo cáo của ANZ lần này ghi nhận, mặc dù đã có dấu hiệu cải thiện song trong trung hạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn ở dưới mức tiềm năng. Sự cản trở chủ yếu nằm ở quá trình tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đánh giá của chuyên gia ANZ, với việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản quốc gia (VAMC), mặc dù sẽ mang lại lợi ích nhưng vẫn chưa đủ để dọn sạch nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.

Bích Diệp