Căng thẳng thương mại Nhật – Hàn tác động ra sao tới Việt Nam?

(Dân trí) - Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi tình hình căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc để có sự phối hợp trong điều hành, xử lý các vấn đề có tác động tới Việt Nam…

Căng thẳng thương mại Nhật – Hàn tác động ra sao tới Việt Nam? - 1
Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản – Hàn Quốc đang manh nha ở bước đầu tiên.

Trong một báo cáo vừa công bố, Bộ Công Thương cho biết, các diễn biến chung gần đây tiếp tục ghi nhận thêm căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, căng thẳng giữa hai quốc gia này bùng phát khi Nhật Bản ra quyết định hạn chế xuất khẩu 3 loại nguyên liệu được sử dụng để chế tạo chất bán dẫn và các loại màn hình sang Hàn Quốc.

Các công ty Nhật bán các sản phẩm cho Hàn Quốc sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu cho từng hợp đồng. Quy trình này có thể kéo dài tới 90 ngày.

Việc này đang tác động lên ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, vốn đã chịu sức ép từ nhu cầu đi xuống vài năm gần đây. Samsung và SK Hynix (Hàn Quốc) sản xuất gần hai phần ba chip nhớ thế giới. Các hãng smartphone như Apple hay Huawei cũng phải dựa vào nguồn cung chip nhớ từ Hàn Quốc.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, quyết định hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản đối với Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất chất bán dẫn, chip và màn hình tại Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ sở sản xuất, nhà máy thuộc các công ty này tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

“Bộ Công Thương đang tiếp tục bám sát theo dõi tình hình căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc trong thời gian tới để có sự phối hợp trong điều hành, xử lý các vấn đề có tác động tới Việt Nam”, Bộ Công Thương khẳng định.

Bên cạnh căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 8 của Bộ Công Thương cũng đề cập khá nhiều đến cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Sự căng thẳng thương mại giữa các quốc gia nói trên được Bộ Công Thương đề cập đến như những yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo Bộ này, trong những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ...

“Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018”, Bộ Công Thương dự báo.

Trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng. Ngày 23/8/2019, căng thẳng thương mại giữa hai nước được đẩy lên nấc cao mới khi Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 5 hoặc 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ (hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12/2019). Ngoài ra, đối với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ là ô tô và phụ tùng ô tô, Trung Quốc sẽ áp thêm thuế lần lượt là 25% và 5%, từ 15/12/2019.

Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đáp trả bằng cách sẽ nâng mức thuế lên 30% (thay vì mức đang áp dụng 25%) đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (hiệu lực từ ngày 1/10/2019) và sẽ áp mức thuế 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc từ 1/9/2019 (thay cho mức 10% như kế hoạch trước đó; trong đó có một số mặt hàng sẽ bị áp thuế từ 15/12/2019); đồng thời, Mỹ cũng tuyên bố có kế hoạch có thể rút các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Bộ Công Thương cho biết, các tổ chức quốc tế (như IMF, WB,...) đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại và có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị chịu nhiều ảnh hưởng vì cả hai đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước.

Đáp trả, ngày 27/8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục giảm giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp chưa từng có (7,0810 NDT đổi 1 USD). Sau khi tỷ giá tham chiếu được PBOC công bố, đồng NDT được giao dịch trên thị trường quốc tế ở mức thấp hơn nhiều so với phiên liền trước, xuống mức 7,1576 NDT đổi 1 USD, thấp nhất trong vòng 11 năm qua.

Hoạt động phá giá đồng NDT được chính quyền Bắc Kinh thực hiện sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump dồn dập tuyên bố các mức thuế mới cao hơn sẽ áp lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

"Một đồng NDT yếu hơn sẽ phần nào giúp giảm bớt những thiệt hại do thuế quan Mỹ gây ra. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới", Bộ Công Thương cho biết.

Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trước tình hình căng thẳng giữa Nhật Bản - Hàn Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các chuyên gia lưu ý, Việt Nam cần cẩn trọng theo dõi, đánh giá tình hình để có giải pháp ứng phó. Ngoài đa dạng hoá đối tác, thị trường, việc tận dụng các FTA, tăng quản trị rủi ro trong nước cũng là giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài trước các cuộc thương chiến thương mại quốc tế, khu vực.

Nguyễn Mạnh