Cảng Quy Nhơn lập kỷ lục mới sau khi về sở hữu nhà nước
(Dân trí) - Tấn hàng thứ 9 triệu vừa thông qua Cảng Quy Nhơn (Bình Định) trong năm 2019, sau khi cảng này chính thức lấy lại từ tư nhân về sở hữu nhà nước theo đúng tâm nguyện lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Định.
Chiều 27/12, Công ty CP Cảng Quy Nhơn (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) tổ chức lễ đón nhận tấn hàng thứ 9 triệu được thông qua trong năm 2019. Đây là kỷ lục mới được xác lập sau 23 năm thành lập cảng.
Ông Phan Tuấn Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn cả năm 2019 tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu đạt 782 tỷ đồng, tăng hơn 9%, lợi nhuận trước thuế đạt gần 128 tỷ đồng, tăng 7%, nộp ngân sách Nhà nước hơn 56 tỷ đồng.
Trong năm qua, Cảng Quy Nhơn tiếp tục được nâng cấp, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả điều hành, khai thác cảng và đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng; thực hiện kết nối cảng và hải quan, rút ngắn thủ tục thông quan hàng hóa qua cảng.
Với các trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa được đầu tư hiện đại, hiện nay, với tàu 50.000 DWT cập Cảng Quy Nhơn, thời gian xếp dỡ được rút ngắn từ 4 - 4,5 ngày xuống chỉ còn 2 - 2,5 ngày. Nhờ đó, Cảng Quy Nhơn được đánh giá là cảng dẫn đầu tại khu vực miền Trung trong những năm gần đây về xếp dỡ hàng hóa nhanh và có sản lượng hàng hóa thông qua tăng trưởng cao.
Theo ông Phan Tuấn Linh, với trang thiết bị hiện có, Cảng Quy Nhơn đủ năng lực xếp dỡ 11 triệu tấn/năm. Năm 2020, Cảng Quy Nhơn phấn đấu đạt cột mốc 10 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng. Mục tiêu đến năm 2025, đạt sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn ở mức 14-15 triệu tấn/năm.
Tại buổi lễ, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Cảng Quy Nhơn cần thực hiện khẩn trương nâng cấp mở rộng cảng theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó trước mắt nâng cấp bến tàu số 1 để đảm bảo việc xếp dỡ hàng hóa, nhất là container. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, các công nghệ tiên tiến, không ngừng nâng cao năng suất xếp dỡ đáp ứng nhu cầu xếp dỡ hàng hóa trong nước và quốc tế...
Về phía tỉnh Bình Định, ông Dũng cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho Cảng Quy Nhơn phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Như đã thông tin, tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ vi phạm, khuyết điểm của nhiều cá nhân, tổ chức trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp tư nhân.
Thanh tra kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo thu hồi 75,01% cổ phần về sở hữu nhà nước vì Bộ này đã ban hành hai văn bản chuyển nhượng 26,01% cổ phần và 49% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, trái thẩm quyền, vi phạm quy định.
Đầu năm 2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã ký quyết định Bộ GTVT hủy bỏ 2 văn bản hành chính trái luật nêu trên. Ngoài ra, Vinalines phải đàm phán để lấy lại 75,01% cổ phần từ Công ty Hợp Thành về lại sở hữu Nhà nước.
Doãn Công