Cảng biển lôm côm, đội tàu yếu kém!
(Dân trí) - Trong khi đội tàu mang quốc tịch Việt Nam quá yếu kém, cơ cấu bất hợp lý thì cảng biển lại nhiều và chồng chéo chức năng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá dịch vụ cảng vô tội vạ. Tình hình trên cho thấy “sức khỏe” ngành hàng hải có vấn đề.
Còn nhiều bất cập
Sáng 5/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển. hội nghị được tổ chức tại 5 điểm cầu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ. Các doanh nghiệp tại TPHCM đã có rất nhiều góp ý phản ánh bất cập của ngành này.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Thủ tướng yêu cầu thay đổi kết cấu phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ |
Đại diện công ty Cổ phần cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ trình bày, trong thời gian gần đây có một số cảng chuyển đổi công năng từ cảng container thành cảng tổng hợp làm cho tình hình cạnh tranh giữa các cảng tổng hợp thêm gay gắt. Việc cạnh tranh bằng hình thức giảm giá bốc xếp ngày càng phổ biến, giá dịch vụ cảng giảm sâu trong những năm gần đây, đồng thời kéo theo hiệu quả hoạt động của các cảng ngày càng thấp.
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật, tính đến ngày 30/6/2014, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam có khoảng 1.700 tàu. Về cơ cấu đội tàu chỉ có 28 tàu container, 172 tàu chuyên dụng chở hàng rời, hơn 940 tàu tổng hợp, 150 tàu chở dầu hóa chất, 9 tàu chở khí hóa lỏng,…
Theo ông Nhật, cơ cấu đội tàu như trên là không hợp lý vì dư thừa tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, rời nhưng lại thiếu tàu chuyên dùng và tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế. Thị phần vận tải xuất nhập khẩu của đội tàu trong nước cũng chỉ chiếm khoảng 10 – 12% tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, còn lại do đội tàu nước ngoài đảm nhận.
Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, cho rằng hầu hết các chủ tàu đều phải khai thác tàu dưới giá thành và chấp nhận lỗ. Ông nhấn mạnh khó khăn lớn nhất của các chủ tàu tại Việt Nam hiện nay là thiếu vốn nghiêm trọng. Không chỉ thiếu vốn đầu tư phát triển tàu mà còn thiếu cả vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, khai thác tàu.
Xin nhiều ưu đãi
Trước khó khăn trên, ông Đỗ Xuân Quỳnh kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn đối với các đội tàu Việt Nam. Ông cũng kiến nghị Chính phủ chưa nên tăng phí và lệ phí hàng hải để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp. Để tăng thị phần cho đội tàu Việt Nam, ông Quỳnh kiến nghị hai Bộ GTVT và Công thương phối hợp để làm sao tạo cơ chế, chính sách cho cho các đội tàu tăng thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện công ty CP VTB Khai Nguyên kiến nghị đến Bộ trưởng về giới hạn tuổi tàu nhập khẩu. Để được tham gia chính sách bảo hộ vận tải nội địa của Nhà nước thì doanh nghiệp buộc phải đầu tư tàu dưới 15 tuổi, nhập khẩu và đăng ký mang quốc tịch Việt Nam. Theo doanh nghiệp này, việc đầu tư tàu trẻ dưới 15 tuổi với giá cao gấp 2 – 3 lần giá tàu từ 15 – 20 tuổi thì khó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp này đề nghị Bộ GTVT xem xét nơi rộng biên độ tuổi tàu được đăng ký lần đầu tại Việt Nam lên 20 tuổi, thay vì 15 tuổi như hiện nay. Cạnh đó, đối với những tàu chuyên dụng mang quốc tịch nước ngoài mà doanh nghiệp Việt Nam trót đầu tư, mặc dù trên 20 tuổi nhưng tình trạng kỹ thuật còn tốt, doanh nghiệp kiến nghị lên Bộ xem xét và có chính sách hỗ trợ.
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cùng có chung đề nghị mong muốn được hỗ trợ về chính sách vay vốn với giá ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, giảm chi phí tiền thuê đất, tiền điện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cảng biển trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Công ty Cổ phần cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ kiến nghị Nhà nước không cấp phép xây dựng thêm cảng trong khu vực Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), không cấp phép cho cảng container chuyển đổi công năng sang tiếp nhận tàu hàng rời.
Còn ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng giám đốc công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị nhanh chóng ban hành giá sàn dịch vụ cảng biển cho các cảng thuộc khu vực TPHCM và Hải Phòng. Ông Thuấn cho rằng: “Đây là vấn đề cấp thiết góp phần bình ổn thị trường. Đòi hỏi các cảng phải nâng cao đầu tư công nghệ, chất lượng dịch vụ mà không phải cạnh tranh bằng cách hạ giá như rất nhiều năm nay”.
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định cần phải rà soát là quy hoạch phát triển cảng biển cũng như phát triển các đội tàu biển của cả nước để báo cáo Chính phủ điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, gỡ khó cho cac doanh nghiệp hàng hải trong giai đoạn sắp tới.
Cùng với đó, Bộ trưởng chỉ đạo tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp mở rộng phát triển kinh doanh phù hợp với thị trường hiện nay. Bộ sẽ trình Chính phủ bộ Luật Hàng hải sửa đổi. Đồng thời, sửa đổi các nghị định, thông tư có liên quan.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các doanh nghiệp cảng phải có sự phối hợp với doanh nghiệp vận tải. So với nước ngoài thì chúng ta yếu hơn, nên muốn mạnh thì phải có sự liên kết với nhau. Bộ trưởng cho rằng: “Các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, nhưng đứng trước lợi ích quốc gia cần phải đoàn kết”.