Cẩn trọng với bẫy lãi suất vay vốn “siêu rẻ" 0%
(Dân trí) - Để kích thích tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đã tung ra thị trường các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn, thậm chí “siêu rẻ" đến 0%. Trên thực tế, sau những hợp đồng vay vốn đã có không ít khách hàng “ngã ngửa” vì những “chiêu trò” của ngân hàng.
Điều này cũng có nghĩa, tốc độ tăng trưởng tín dụng của 3 tháng cuối năm sẽ phải đạt gần bằng 9 tháng đầu năm mới hoàn thành mục tiêu. Thời gian qua, để “kích” tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn, thậm chí “siêu” rẻ.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Điển hình, một ngân hàng thương mại có hội sở chính tại Hà Nội tung ra gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ có nhu cầu vay từ 12 tháng trở lên để mua nhà, mua xe, xây sửa nhà cửa, mở rộng vốn đầu tư kinh doanh.... Trong đó, khách hàng có thể chọn một trong ba ưu đãi là: lãi suất 0%/năm trong 2 tháng đầu, 6,5%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 9%/năm trong 12 tháng đầu tiên.
Có nhà băng lại “tung” ra thị trường chương trình cho vay với lãi suất chưa đến 6%/năm để khách hàng mua căn hộ chung cư tại một dự án. Thời gian cho vay lên đến vài chục năm.
Tuy nhiên, với trường hợp thứ nhất, theo phản ánh của một số doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất này thì, mức lãi suất 0% thực tế chỉ được áp dụng 1 tháng đầu. Sau 1 tháng được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp nhận được tờ “trát” từ chính ngân hàng này, với thông báo đề nghị nộp tiền lãi suất tương đương 3% cho khoản vay mà không có thông tin giải thích. Khi doanh nghiệp gọi điện đến chi nhánh ngân hàng, nơi doanh nghiệp trực tiếp vay vốn, họ nhận được câu trả lời từ nhân viên, đây là khoản “lãi suất tạm ứng”, ngân hàng thu trước cho tháng sau, nếu doanh nghiệp không trả lãi suất đúng hạn, ngân hàng sẽ tự động khấu trừ.
Điều đáng nói, theo phản ánh của doanh nghiệp, mức lãi suất này không hề được đưa vào trong hợp đồng, hay cam kết bằng lời giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Còn với trường hợp thứ hai, mức lãi suất thấp chỉ được hỗ trợ trong thời gian đầu, những tháng tiếp theo được ngân hàng tính theo lãi suất cho vay hiện hành. Điều này cũng không được nhân viên ngân hàng thông báo khi khách hàng đến tìm hiểu trong quá trình tiếp cận vốn vay.
Theo thừa nhận của phó giám đốc một ngân hàng có hội sở tại TPHCM, việc một số ngân hàng tung “chiêu trò” trong quá trình cho doanh nghiệp vay vốn là có. Ngân hàng thường “lách luật” để thu thêm phí như: phí bảo quản tài sản thế chấp, phí phạt nộp tiền lãi và gốc quá hạn…
Trao đổi với Dân trí, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đánh giá, nhiều chương trình cho vay ưu đãi mà giới ngân hàng đang áp dụng hiện nay rất hấp dẫn nên đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp đi vay nhưng thực chất không có lợi nhiều cho người đi vay. Bởi các mức lãi suất hỗ trợ chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó, lãi suất được ngân hàng nhanh chóng điều chỉnh theo lãi suất thị trường (lãi suất huy động 12 tháng trả sau của 4 ngân hàng lớn + biên độ từ 2 -3%/năm = lãi suất thị trường).
“Có thể thấy, các gói ưu đãi lãi suất hiện nay chỉ mang tính chất khuyến khích người đi vay vốn mà ngân hàng nhắm vào giới tiểu thương, cá nhân, doanh nghiệp nhỏ. Còn với doanh nghiệp lớn, họ không mặn mà với những chương trình này do đã được hưởng lãi suất giảm cố định trong cả một năm. Do đó, những người đi vay các gói hỗ trợ cần quan tâm, hết thời gian hỗ trợ lãi suất, lãi suất vay vốn được điều chỉnh trở lại dựa trên nguyên tắc nào và lãi suất dự kiến là bao nhiêu, có phải tính thêm các khoản lệ phí nào không”, TS.Nguyễn Trí Hiếu nhắn nhủ.
Cũng theo của TS.Hiếu, nếu không tìm hiểu kỹ các gói vay vốn mà chỉ nhìn vào mức ưu đãi ngân hàng “vẽ” ra ban đầu, khách hàng dễ dàng bị “rơi vào bẫy lãi suất hạ”. Trên thực tế đã có không ít cái “bẫy” mà nhà băng giăng ra. Và những cái “bẫy” này ít nhiều làm giảm niềm tin của khách hàng, của doanh nghiệp với ngân hàng.
Theo đó, để tránh “sập bẫy”, trong các hợp đồng tín dụng, khách hàng cần chú ý đến các điều khoản vay vốn và phải thỏa thuận trước về các mức lãi suất 3 hay 6 tháng tiếp theo là bao nhiêu. Trong quá trình thực hiện, ngân hàng phải tuân thủ đúng những điều khoản đó, trừ trường hợp người đi vay vi phạm hợp đồng tín dụng thì có thể áp dụng lãi phạt. “Còn với khoản thu mà ngân hàng tạm gọi là “lãi suất tạm ứng”, mang tính dự phòng với hợp đồng tín dụng xem ra không hề minh bạch trong việc tính lãi suất đối với người đi vay. Và nếu ngân hàng Việt Nam áp dụng điều này, thì đây có thể là trường hợp cá biệt, chứ trên thế giới chưa có nền kinh tế phát triển nào lại áp dụng lãi suất như thế”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu phân tích, với cách thu lãi suất tạm ứng như trên sẽ tạo nên chi phí vốn (chi phí cơ hội) đối với người đi vay. Bởi nếu tháng thứ hai, doanh nghiệp vẫn được hưởng lãi suất 0% thì họ sẽ không phải lo nghĩ gì đến mức tiền lãi mà mình phải chịu. Và khoản tiền theo mức lãi suất ưu đãi đó, doanh nghiệp có thể sử dụng theo đúng mục đích của mình. Nhưng khi ngân hàng “lập lờ” với khoản vay, bắt buộc doanh nghiệp (yếu bóng vía) sẽ phải xoay sở cách này hay cách khác để có được số tiền tương ứng 3% “lãi suất tạm ứng” trả lãi cho ngân hàng.
Với kinh nghiệm 35 năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Trên thế giới không thấy ngân hàng nào có một sáng kiến tuyệt vời hơn thế”. Vì thế, để quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và người đi vay vốn được minh bạch, các nhà băng trong hợp đồng tín dụng cần phải tính được cho khách hàng của mình mức lãi suất dự kiến sẽ phải nộp sau thời hạn ưu đãi cũng như các khoản chi phí vốn phát sinh, vốn là các mức lãi suất thực chứ không phải lãi suất trên văn bản.