Cẩn trọng rượu “lậu” chứa độc chất gây mù lòa, tử vong

(Dân trí) - Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từng phải cấp cứu cho nhiều bệnh nhân ngộ độc vì rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, những loại rượu chưa được kiểm định này vẫn tràn lan ở thị trường với “mác” rượu quê, rượu dân tộc…

Đe dọa tính mạng vì uống rượu không rõ nguồn gốc

Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết một con số giật mình: Bình quân mỗi năm chỉ riêng Trung tâm Chống độc của Bệnh viện cũng tiếp nhận tới hàng trăm ca ngộ độc rượu, con số tử vong lên tới hàng chục người.

Trong đó, đa phần là do lạm dụng các loại rượu nấu, rượu ngâm theo phương pháp thủ công không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân điều trị ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Đức Dũng/Đất Việt)
Bệnh nhân điều trị ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Đức Dũng/Đất Việt)

Đầu năm nay, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã điều trị tích cực cho bệnh nhân Lưu Xuân L. ( Long Biên, Hà Nội). Đôi mắt của anh đã bị mù vĩnh viễn, não liệt hoàn toàn. Người nhà bệnh nhân này cho biết, anh L. đi mua rượu ở đầu làng mà không biết mua cụ thể ở quán nào.

Sau khi anh cùng với mấy người bạn uống, ngày hôm sau có dấu hiệu mờ mắt, đi khám ở bệnh viện gần nhà được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt rồi chuyển thẳng sang TT Chống độc. Sau đó, anh này đã rơi vào tình trạng hôn mê hoàn toàn.

Trước đó, Trung tâm Chống độc đã đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Trung K, ở Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội bị sốc phản vệ do uống rượu ngâm với ong.

Sau khi bệnh nhân uống 10ml rượu thì xuất hiện ngứa, sưng nề môi kèm đau bụng, nôn mửa, gia đình vội đưa đến bệnh viện. Rất may bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nên đã trở lại tình trạng ổn định.

Theo tìm hiểu được biết, hiện nay ở các cửa hàng, quán nhậu bán rất nhiều loại rượu có tên gọi chung là rượu quê, rượu “dân tộc”, rượu “cuốc lủi”… Người dân uống theo một thói quen có từ nhiều năm nay nhưng không biết rằng, họ đang nạp dần độc tố vào người.

Chưa kể tới những loại rượu “trộn” cực độc được làm theo công thức: nước lã+ cồn+hương liệu thì những loại rượu được nấu theo phương pháp truyền thống cũng chứa nhiều chất nguy hại đến sức khỏe.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Đa phần các lò nấu rượu thủ công không tách được các độc tố như methanol, acid, furfurol, aldehyt, acétaldehyt...

Giáo sư Thịnh cũng cho biết một số nhà hàng “đặc sản rượu dân tộc” đua nhau quảng cáo với khách về hàng chục loại rượu thuốc, rượu ngâm thảo dược, ngâm động vật... Người dân có thể tiền mất tật mang với những loại rượu này. Vì hiện nay dược liệu giả dùng ngâm rượu bán tràn lan, ngay cả dùng dược liệu thật cũng không đảm bảo vì cây cỏ hiện nay cũng nhiễm độc nhiều.

Thất thu thuế

Mặc dù độc hại là thế, nhưng hiện nay các loại rượu không rõ nguồn gốc được “gắn mác” rượu dân tộc, rượu quê vẫn được buôn bán tràn lan trên thị trường. Các cơ quan chức năng bắt kho rượu không rõ nguồn gốc ở nơi này thì ở những điểm khác vẫn “vô tư” buôn bán, tiêu thụ.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thừa nhận: Quản lý rượu truyền thống là một việc không dễ. Nghị định 94 được ban hành lâu nay nhưng khi đi vào cuộc sống, gần như không có hiệu quả.

Đa phần hộ nấu rượu không hề biết về quy định này, các cơ quan chức năng cũng không đủ sức để quản hết. Theo quy định, các nhà sản xuất phải tự chịu và tự kiểm định chất lượng sản phẩm rượu theo từng lô khi đưa ra thị trường nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng chấp hành hoặc có làm cũng không phải với 100% sản phẩm.

Theo các chuyên gia, việc vô tư sử dụng và buôn bán rượu thủ công không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà nhà nước cũng thất thu một khoản tiền không hề nhỏ. Nhà nước sẽ thất thu ít nhất 3 loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (vì rượu bia là mặt hàng bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt), thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc không phải chịu bất kỳ một loại thuế, phí nào, khiến rượu sản xuất thủ công sẽ có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với rượu sản xuất công nghiệp phải dán tem. Điều này dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường rượu. Người tiêu dùng cũng vì thế mà vẫn lựa chọn sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc và không được kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo nhiều chuyên gia, trong khi đã có hàng chục vụ ngộ độc chết người liên quan đến rượu không rõ nguồn gốc nhưng việc quản lý dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý, trong đó cụ thể là thanh tra Bộ Y tế trong việc kiểm tra chất lượng rượu. Thanh tra Bộ Tài chính trong việc kiểm tra tem thuế, và cuối cùng là lực lượng quản lý thị trường trong việc quản lý rượu lưu thông trên thị trường. 

Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 800 triệu lít rượu lưu thông trên thị trường, trong đó rượu công nghiệp chỉ chiếm 20%, còn lại là rượu nấu thủ công chưa qua kiểm định chất lượng.

 V.C


Dưa lưới vàng Trung Quốc đang được bày bán la liệt trên đường
phố Hà Nội