Cần Thơ lên phương án phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Trong những tháng cuối năm, TP Cần Thơ sẽ khôi phục 100% hoạt động đầu tư công, cho phép hoạt động trở lại một số ngành nghề và chuẩn bị các điều kiện để ban hành "Giấy thông hành vắc xin điện tử".

Cần Thơ lên phương án phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới - 1

Kế hoạch phục hồi kinh tế của Cần Thơ được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn một từ nay đến cuối năm, giai đoạn hai từ ngày 1/1/2022 về sau.

Sau thời gian nỗ lực kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19, TP Cần Thơ đang từng bước thu hẹp "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh" và phấn đấu trở về trạng thái bình thưởng mới. Để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, ngày 17/9, UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, kế hoạch được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn một từ nay đến cuối năm, giai đoạn hai từ ngày 1/1/2022 về sau.

Theo đó, trong giai đoạn một, hoạt động đầu tư công ở TP Cần Thơ sẽ khôi phục 100%, thành phố cũng khuyến khích các hoạt động đầu tư ngoài ngân sách. Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ làm việc với các chủ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng đề án khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên sớm hoạt động trở lại gồm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thiết yếu, hoạt động xuất khẩu và sản xuất nông nghiệp. Khi bảo đảm các điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch thì sẽ cho phép các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại theo lộ trình.

Trong lĩnh vực sản xuất, TP Cần Thơ cũng yêu cầu Sở NN&PTNT có giải pháp phát triển sản xuất đồng bộ, đa dạng cây trồng, vật nuôi để đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng cho thị trường nhất là dịp cuối năm.

Bước sang giai đoạn hai, TP Cần Thơ sẽ đánh giá các nội dung đã triển khai, rút kinh nghiệm và để ra các nhiệm vụ tiếp theo, tiến tới khôi phục hoàn toàn nền kinh tế.

Để thực hiện kế hoạch, TP Cần Thơ cũng đã đưa ra hai nhóm giải pháp hỗ trợ gồm nhóm những giải pháp cần thực hiện ngay và các giải pháp dài hạn.

Trong nhóm giải pháp cần thực hiện ngay, nổi bật nhất là việc thành phố chuẩn bị các điều kiện để ban hành "Giấy thông hành vắc xin điện tử" cho những người đủ tiêu chuẩn di chuyển và tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thành phố cũng đề ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong việc kết nối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với các nền tảng kinh doanh, thương mại điện tử. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao duy trì thường xuyên các hoạt động giao dịch việc làm để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong huy động nguồn nhân lực.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cũng được đề nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nghiên cứu triển khai gói tín dụng với mức lãi suất hỗ trợ tốt nhất dành cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, phân phối hàng thiết yếu, nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo cuộc sống người dân và phục vụ nhu cầu dự trữ phòng, chống dịch.

Trong lĩnh vực sản xuất, TP Cần Thơ cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp phát triển sản xuất đồng bộ, đa dạng cây trồng, vật nuôi để đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng cho thị trường nhất là dịp cuối năm. Cùng với đó là việc hỗ trợ nông dân tìm đầu ra sản phẩm, kỹ thuật nuôi trồng, con giống và tín dụng ưu đãi cho sản xuất.

Trong nhóm các giải pháp dài hạn TP Cần Thơ chú trọng việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đảm bảo bình ổn thị trường và thực hiện các chương trình kết nối đầu tư.

Các chính sách miễn, giảm và dãn thuế cho doanh nghiệp, người lao động cũng được TP Cần Thơ đề ra trong nhóm giải pháp dài hạn. Thành phố sẽ làm trung gian kết nối doanh nghiệp và người lao động, giải quyết cùng lúc hai vấn đề lao động và việc làm.

TP Cần Thơ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp khi hoạt động trở lại sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý lao động, chủ động xây dựng và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, phương án phòng, chống dịch.