Cận Tết, tiệm tóc, nail căng mình từ 7h đến 23h nhặt tiền triệu

Thảo Thu

(Dân trí) - Càng sát Tết, khách càng đông. Chủ tiệm tóc ở Hà Nội chia sẻ 7h sáng bắt đầu, làm tới 15-16h mới ăn cơm trưa, làm tiếp tới 23h mới ăn tối và khoảng 0h mới được nghỉ. Bù lại, doanh thu tăng "khủng".

Đang ngồi chờ tại một salon tóc trên đường Đê La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội), chị Thảo cho biết đã đợi hơn nửa tiếng đồng hồ. Mấy ngày nay, biết phải đợi lâu vì tiệm quá tải, nhưng khách hàng này vẫn chấp nhận vì "muốn có diện mạo xinh đẹp để đón Tết". 

"Ngày thường làm tóc còn thư thả, mấy ngày này phải thông cảm cho tiệm và bù lại sau đó có cái đầu mới để ăn Tết. Nhà cửa đã dọn xong xuôi, tôi cũng chính thức nghỉ làm từ hôm qua nên nếu phải đợi thêm cũng đành chấp nhận", chị Thảo nói.

Chị nói thêm, biết đi làm tóc cận Tết sẽ phải chịu mức giá cao nhưng vẫn vui vẻ trả tiền dịch vụ vì "biết sao được khi chị em nào cũng muốn làm và nhân viên tiệm tóc cũng phải làm, chưa được về quê".

Tranh thủ làm đẹp trước Tết không chỉ là thói quen của chị Thảo mà còn là nhu cầu của nhiều chị em khác. Do đó, thời điểm cận Tết là lúc các tiệm tóc "ăn nên làm ra".

Cận Tết, tiệm tóc, nail căng mình từ 7h đến 23h nhặt tiền triệu - 1

Một tiệm tóc tại Hà Nội kín khác những ngày giáp Tết (Ảnh: Thảo Thu).

Tay không ngừng nghỉ trong lúc trò chuyện, chị Thúy, chủ tiệm tóc trên đường Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa, Hà Nội) cùng với 4 nhân viên cho biết, 3 tuần trở lại đây, hôm nào tiệm cũng làm miệt mài đến khuya, đặc biệt là cao điểm tuần giáp Tết.

Chị nói: "Cứ mở mắt ra 7-8h là đã thấy khách đến tiệm, tin nhắn điện thoại cũng báo liên tục có khách hỏi còn trống lịch, chúng tôi phải làm tới mãi tận 23h, có hôm 0h mới nghỉ", chủ tiệm tóc này nói. Chị cho biết những ngày cuối năm, lượng khách tìm đến tiệm tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường.

"Nếu làm hết công suất, một ngày được khoảng 20 đầu tóc nam, còn nữ thì tầm 10 đầu. Nên chỉ cần vài ngày giáp Tết, doanh thu của tiệm đạt bằng cả tháng ngày thường", chị nói và cho biết do phải phục vụ tất cả lượng khách (thường là khách quen) nên đến tận chiều 30 tháng Chạp, tiệm của chị mới nghỉ Tết.

Chị cho hay, làm nghề tóc phải có sức khỏe tương đối tốt mới chịu đựng nổi, vì có những khi khách đông phải làm liên tục mà không được ăn cơm, thậm chí 15h-16h mới được ăn trưa, 23h ăn tối rồi lại nghỉ ngơi rồi làm liên tục ngày này qua ngày khác.

Cận Tết, tiệm tóc, nail căng mình từ 7h đến 23h nhặt tiền triệu - 2

Giáp Tết, rất khó để tìm được địa điểm nhuộm tóc nếu không đặt lịch từ sớm (Ảnh: Thảo Thu).

Trước câu hỏi về việc giá tăng cao dịp Tết, chị cho biết trong khi các ngành nghề khác đã nghỉ Tết thì nghề dịch vụ vẫn phải làm, nên giá dịch vụ buộc phải tăng gấp đôi ngày thường để có tiền thưởng cho nhân viên có tiền về ăn Tết. "Các bạn nhân viên cũng đều ở quê nhưng trụ lại ở Hà Nội đến cận Tết mới về, các khách hàng cũng nên thông cảm nếu giá dịch vụ tăng cao", chị nói.

Chị Hà Linh, một chủ salon tóc tại Đan Phượng (Hà Nội) cũng cho biết những ngày cận Tết, tiệm của chị luôn kín khách. "Nhiều khách đặt trước cả tuần mới xếp được chỗ", chị nói và cho biết dịch vụ được ưa chuộng nhất là tẩy, nhuộm tóc. Vào dịp Tết, một khách hàng có thể chi trả từ 2-7 triệu đồng cho dịch vụ cắt, nhuộm, phục hồi tóc ở tiệm của chị.

Giáp Tết, không chỉ tiệm làm tóc mà cả tiệm làm nail, nếu không đặt lịch từ sớm, khách đều khó có thể sử dụng dịch vụ. Những nơi này thường xuyên trong tình trạng quá tải, kín khách đến 0h đêm.

Huyền Trang (Bắc Ninh) gọi cho 3 tiệm làm nail mới có một chỗ làm đẹp do không đặt lịch từ trước. Trang làm nghề giáo viên và đã chính thức nghỉ làm từ 27 Tết.

"Tôi đã phải đặt cọc 50.000 đồng để đặt chỗ. Ngày thường tôi chỉ cần ra tiệm là ngồi làm được luôn", chị nói. Chị cho biết quần áo, mỹ phẩm đã được mua sắm cách đây một tuần, nhưng làm nail phải sát Tết làm mới có thể "chơi" được lâu.

Cũng vì tâm lý này của các chị em nên các tiệm nail luôn trong tình trạng quá tải. Quỳnh Trang - nhân viên tiệm nail ở đường Đê La Thành cho biết vài ngày nay, cô đã làm việc liên tục từ 8h sáng đến 23h đêm, có hôm 15h mới được ăn cơm.

"Tuy nhiên, làm ngày Tết tôi được trả công gấp đôi. Ở lại làm đến 30 Tết cũng sẽ được nhận thêm tiền thưởng nên dù mệt nhưng vẫn cố gắng", Trang cho hay.

Trang tiết lộ, hóa đơn ngày thường cho một khách rơi vào khoảng 300.000-500.000 đồng nhưng hiện do đã là 28 Tết nên cùng dịch vụ, giá có thể lên đến 700.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Cận Tết, tiệm tóc, nail căng mình từ 7h đến 23h nhặt tiền triệu - 3

Một tiệm làm nail tại Hà Nội luôn kín khách những ngày giáp Tết (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhìn nhận về giá cả dịch vụ làm tóc, nail, chủ một salon làm cả 2 dịch vụ này ở Bắc Ninh cho biết việc tăng giá ngày cận Tết là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, hiện thị trường có nhiều sản phẩm phục vụ khách làm hóa chất  như nhuộm, duỗi, uốn, sơn móng, sản phẩm rẻ tiền chủ yếu nhập từ Trung Quốc và sản phẩm có thương hiệu đến từ châu Âu.

"Khách hàng vẫn nên chọn những tiệm đã quen để đặt lịch trước và cẩn trọng với những cửa hàng vì doanh thu cao ngày Tết mà sử dụng hóa chất không uy tín", chủ tiệm này đưa ra lời khuyên.

"Giá dịch vụ đắt rẻ tùy thuộc vào việc dùng loại hóa chất nào để làm. Ngoài ra, nếu vị trí tiệm tóc ở những nơi đắc địa, quy mô sang trọng... giá cũng có thể cao hơn so với những nơi khác", người này nói.