Cận Tết, dịch vụ “tút sắc” đếm tiền mỏi tay

Tết đến, xuân về, khi nhu cầu làm đẹp của con người bùng nổ thì cũng là lúc các cửa hàng cắt tóc, spa… bước vào mùa làm ăn.

Cắt tóc “mỏi tay”

Mong muốn được đẹp và nhu cầu làm đẹp dường như là một trong những bản năng của người phụ nữ. Chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán, bên cạnh chuyện sắm sửa quần áo, phụ kiện trưng diện chơi xuân, các chị em cũng tranh thủ đến những cửa hàng làm tóc, uốn mi, làm nail… để tút tát lại nhan sắc.

Những ngày cận Tết, vào thời điểm tan sở, xế chiều, dễ dàng bắt gặp hình ảnh khách ngồi đông đúc trong những cửa hàng làm tóc.

Anh Tuấn, chủ một tiệm làm tóc ở Mỹ Đình (Hà Nội) mỉm cười kể: “Mấy ngày này, nhà mình toàn nấu một bữa sáng rồi ăn cả ngày. Trời mấy hôm lại nắng ấm áp nên người ta cũng thích đi uốn hay ép hơn”.

Những ngày cận Tết, nhiều tiệm cắt tóc rơi vào tình trạng
quá tải (Ảnh minh họa)

Những ngày cận Tết, nhiều tiệm cắt tóc rơi vào tình trạng "quá tải" (Ảnh minh họa)

Cũng theo anh Tuấn, ngoài lý do chính đáng là kiếm thêm thu nhập ăn Tết, dẫu có phải mười mấy tiếng mỗi ngày, anh cũng cố niềm nở, nhiệt tình “chiều” các nữ thượng đế.

“Thực ra nhiều lúc mệt cũng chẳng muốn nhận khách. Nhưng thôi cố. Dù sao cũng muốn giúp các chị em xinh hơn đi chơi Tết”, ông chủ hài hước này chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá dịch vụ cắt tóc, làm tóc ở các cửa tiệm tại Hà Nội đang tăng nhẹ từ 10.000 – 50.000 đồng. Tuy nhiên, giá có tăng đôi chút cũng không làm các nữ thượng đế bận tâm. Chuyện chờ đợi được phục vụ vì các tiệm quá đông mới thực sự khiến họ cảm thấy “oải”.

Chị Hà (28 tuổi, Hàng Bông, Hà Nội) chia sẻ: “Mình tranh thủ nghỉ trưa đi uốn lại. Vì làm ở tiệm quen nên mình đã gọi điện hẹn trước mà vẫn phải chờ. Đông thật! Mà năm nào cũng đông. Nhớ Tết năm ngoái, chiều 30 tất niên mình mới đi cắt tóc, còn phải chờ hơn 2 tiếng mới đến lượt”.

Thời điểm cuối năm như một cái mốc mà mọi người thường có tâm lý hay thói quen phải giải quyết xong mọi việc. Trong đó bao gồm cả việc làm đẹp. Với nhưng chủ quán như anh Tuấn, chẳng lỡ từ chối khách hàng của mình. Còn với khách hàng, nếu không tút tát được chút nhan sắc, có lẽ họ sẽ cảm thấy còn tiếc nuối với năm cũ, chưa thực sự thảnh thơi ăn Tết để đón xuân mới.

Săn voucher làm đẹp

Cận Tết, hàng loạt chương trình khuyến mại, bán voucher, phiếu giảm giá chăm sóc sắc đẹp… với giá cả cạnh tranh được các spa, thẩm mỹ viện rao bán sôi động lên mạng internet. Chỉ cần vài phút lượn lờ trên các website bán hàng theo nhóm, các chợ điện tử… là có thể “tậu” được ngay đủ loại thẻ đi spa giá rẻ bất ngờ.

Thông thường, giá trung bình cho một lần làm mặt với rất nhiều công đoạn: tẩy trang, rửa mặt, tẩy da chết, chạy máy siêu âm mờ nếp nhăn, hút mụn, massage, xông hơi, đắp mặt nạ… chỉ vào khoảng 100.000 - 200.000 đồng/lần.

Ngoài ra, có thể kể đến rất nhiều các chương trình dưỡng sắc từ “chân tơ tới kẽ tóc” thu hút chị em như massage toàn thân: 80 – 200.000 đồng/lần, nối mi nghệ thuật: 100 - 150.000 đồng/lần, tắm trắng: 200.000 – 400.000 đồng/lần, trị thâm nách: 150.000 - 250.000 đồng/lần, triệt lông: 150.000 -300.000 đồng/lần...

Thời kỳ bão giá, trong khi các spa, salon làm đẹp cao cấp ế khách, thì tại các spa bình dân lại được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Không thể phủ nhận giá “mềm” là yếu tố quan trọng thu hút chị em đến với những cơ sở spa bình dân.

Mặc dù vậy, chất lượng phục vụ thể hiện ở thái độ, khả năng của đội ngũ nhân viên, không gian yên tĩnh, cách bày trí có gu đặc biệt là hiệu quả “lên hương, lên sắc”…, mới là yếu tố then chốt giữ chân các nữ thượng đế.

Tuy nhiên, vào thời điểm cận Tết, khi công chức, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh trở về quê ăn Tết, thì spa bình dân cũng sẽ vắng đi một lượng khách hàng không nhỏ.

Theo Linh San
VTCNews