Cận Tết, "choáng" với nhiều loại bánh kẹo giả, nhái nhãn mác cực kỳ tinh vi

(Dân trí) - Cứ đến hẹn lại lên, cận Tết Nguyên đán do nhu cầu sử dụng bánh kẹo của người dân tăng cao nên lượng bánh kẹo giả cũng xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt ở các tỉnh, địa phương, vùng nông thôn, vùng núi và vùng sâu, vùng xa nơi hệ thống nhận diện hàng giả còn yếu kém và người dân khó phân biệt được hàng giả với hàng thật vì ít tiếp xúc.

Hiện tại, trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh kẹo hàng giả của các thương hiệu bánh kẹo nhập ngoại, bánh kẹo của các hãng thực phẩm lớn nổi tiếng trong nước hoặc do liên doanh, nhà nhập khẩu đã được người dân mến mộ thời gian qua.

Đơn cử như tại một chợ ngoại thành Hà Nội, theo phản ánh người dân phát hiện thấy hộp bánh nhãn hiệu "Damisa" giống y hệt bánh cao cấp "Danisa" với giá bán gần 100.000 đồng/hộp.

Loại bánh giả mãn mác giống y thật, người tiêu dùng nếu không tỉnh táo rất khó phát hiện ra
Loại bánh giả mãn mác giống y thật, người tiêu dùng nếu không tỉnh táo rất khó phát hiện ra

Mới đây, lực lượng liên ngành Quản lý thị trường cũng bắt giữ lượng hàng lớn là bánh kẹo giả được chuẩn bị đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội. Điều nguy hiểm nếu chỉ nhìn qua chữ, không để ý kĩ thì khó có thể nhận biết được bởi hộp bánh chỉ được làm khác biệt mỗi chữ "m" trong cụm từ Damisa thay vì chữ số "n" trong nguyên bản "Danisa".

Ngoài ra, trên thị trường còn có nhãn hiệu Choco-Pai nhái nhãn hiệu bánh Choco-Pie, với mẫu mã và hình thức tương tự như nhau, chỉ khác biệt ở dòng chữ "Pai" thay vì "Pie" như nguyên bản. Theo tìm hiểu của phóng viên, để hợp thức hoá, nhiều loại bánh nhái nhãn mác, thương hiệu đều ghi chung xuất xứ với các hãng bánh nổi tiếng trên thị trường.

Loại bánh giả bị lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ
Loại bánh giả bị lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ

Loại bánh thứ ba năm nay xuất hiện bị nhái nhãn mác, bao bì là Cozy, được nhái bằng tên Gozy, hay loại nước uống tăng lực Redbull bị nhái thành loại nước uống Red Gold với bao bì, nhãn mác tương tự như loại sản phẩm thật.

Nước uống tăng lực giả nhãn mác
Nước uống tăng lực giả nhãn mác

Trên thực tế, nhiều năm qua các thủ phủ của bánh kẹo giả nhái các nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng được biết đến chính là La Phù (Hoài Đức - Hà Nội) hay Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc). Tại đây, cứ mỗi đợt ra quân lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều xe và cơ sở chế biến, đóng bao bì các loại bánh kẹo giả.

Hiện nay, hoạt động sản xuất bánh kẹo giả vẫn được tổ chức tinh vi ở một số địa phương ngoại thành Hà Nội, và một số tỉnh khác để thuận đường chuyển đi các địa phương. Dù được báo chí và dư luận cảnh báo nhiều năm song các tụ điểm nóng về sản xuất, đóng bao và buôn bán hàng giả ngay gần Hà Nội vẫn chưa được triệt phá dứt điểm.

Bánh kẹo, bim bim đang bị làm giả rất phổ biến.
Bánh kẹo, bim bim đang bị làm giả rất phổ biến.

Theo ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương: "Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, bánh kẹo giả là một vấn nạn, không chỉ cuối năm bị triệt phá mà lúc nào cơ quan quản lý thị trường cũng ra quân, xử lý, bắt giữ nhưng lực lượng mỏng nên công tác này rất khó khăn".

Trên thực tế, các loại bánh kẹo giả, thậm chí bim bim dành cho trẻ em cũng bị làm giả, nhái nhãn mác chủ yếu đổ dồn về quê, tại các cửa hàng, chợ, sạp đồ bán giảm giá ở địa phương vùng sâu, vùng xa. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin hoặc nhãn mác giống nhau gần tương đương, các đối tượng lợi dụng cận tết để bán cho người dân.

Không chỉ khiến người dân phải trả tiền lớn để mua hàng giả, chính những món hàng giả này không được chế biến đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người tiêu dùng và đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu doanh nghiệp, thị trường và uy tín quốc gia.

Nguyễn Tuyền

Cận Tết, "choáng" với nhiều loại bánh kẹo giả, nhái nhãn mác cực kỳ tinh vi - 5