1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Cắn răng chấp nhận lãi suất thấp

(Dân trí) - Dù nhiều ngân hàng thông báo giảm sâu lãi suất huy động nhưng người dân TPHCM có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm vẫn phải chấp nhận, tiếp tục gửi ngân hàng vì đây là kênh bảo toàn vốn an toàn nhất hiện nay.

Rút tiền không biết làm gì
 
Đi tiên phong trong việc giảm lãi suất huy động trong nhóm ngân hàng thương mại có lẽ là ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, ngân hàng này đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động VNĐ. Sau đợt điều chỉnh vào ngày 16/4, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất huy động VNĐ từ ngày 6/5 với mức lãi suất thấp nhất là 6% cho kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng là 6,5%, 3 tháng là 6,8%. Tuy nhiên, giao dịch của các chi nhánh ngân hàng này ở TPHCM ngày 10/5 vẫn rất bình thường.

Chị Phạm Thị Hồng Yến, nhân viên công ty CPĐT Hưng Thịnh cho biết: “Em cũng có 1 khoảng tiền nhỏ gửi tại Vietcombank nhưng lãi suất có giảm cũng phải chịu thôi. Người ta gửi vài tỷ thì không biết sao chứ chuyện giảm 1 hay 2 phần trăm lãi suất cũng không ảnh hưởng nhiều đến những người chỉ gửi vài chục hay vài trăm triệu như tụi em”.

Cắn răng chấp nhận lãi suất thấp
Hầu hết người dân có khoản tiết kiệm từ vài chục đến vài trăm triệu đành chấp nhận khoản lãi hàng tháng giảm sút vì ngân hàng vẫn là kênh gửi tiền an toàn nhất hiện nay

Chung ý kiến với chị Yến, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, nhân viên công ty CPTM Nguyễn Kim cho biết: “Tôi có gửi tiết kiệm ở Eximbank, hiện ngân hàng này chưa thông báo giảm lãi suất nhưng có giảm thì tôi vẫn gửi ngân hàng thôi. Vì nếu không gửi ngân hàng thì những nhân viên công ty như tôi biết làm gì bây giờ. Vàng thì lên xuống thất thường, bất động sản thì đóng băng. Gửi ngân hàng lấy lãi vẫn chắc nhất, lại đỡ phải lo nghĩ nhiều”.

Chị Nguyễn Thị Yến Trinh, nhân viên công ty TNHH Thời Gian Vàng cũng có vài trăm triệu gửi ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank), đơn vị có mức lãi suất huy động VNĐ thấp nhất hiện nay (5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng) cho biết: “Lãi suất giảm làm tôi mất mấy trăm ngàn mỗi tháng. Nhưng phải cắn răng chịu thôi chứ biết làm sao giờ. Tôi cũng đã tìm hiểu và thấy lãi suất cho kỳ hạn 2 tháng vẫn ở mức 7%/năm, đang tính chờ đến ngày đáo hạn thì chuyển sang kỳ hạn này để tăng mức lãi hàng tháng. Chứ mất vài trăm ngàn mỗi tháng cũng tiếc quá!”.

Trả lời báo giới về hành động giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 3 tháng, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: “Việc Vietcombank giảm mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng nhằm mục đích khuyến khích người dân và doanh nghiệp gửi tiền vào các kỳ hạn dài hơn, tạo điều kiện ổn định nguồn vốn cũng như tiền đề để thực thi các chính sách tín dụng dài hơi hơn”.

Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao không chuyển sang gửi kỳ hạn dài hơn như 12 tháng để có mức lãi suất cao hơn nữa, chị Yến Trinh lắc đầu cho hay: “Gửi lâu rủi ro lắm. Lỡ như mình có việc đột xuất cần dùng tiền thì làm sao!”. Chị Hồng Yến cũng đồng tình: “Tiền tiết kiệm là khoản dự phòng của gia đình, khi có chuyện đột xuất là phải có ngay để dùng. Gửi 1 – 2 tháng còn được chứ gửi dài quá thì giống như dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư rồi”.

Không chọn giải pháp gửi tiết kiệm kỳ hạn dài nhưng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm sâu, chị Ngọc Lan cho biết chị sẽ thăm dò ngân hàng nào có mức lãi cao nhất để chuyển số tiền tiết kiệm của mình đến đó gửi. Theo chị thì đó là cách để có khoản tiền lãi tiết kiệm tốt nhất hàng tháng cho gia đình.

Nhưng chị Hồng Yến thì e dè: “Có lẽ em cũng chỉ để ở Vietcombank thôi, vì mình gửi ở đó đã lâu, nơi gửi cũng tiện nữa. Em nghĩ quan hệ lâu dài với ngân hàng cũng rất quan trọng. Như cậu em cũng có vài tỷ gửi Agribank, mấy đợt rồi Agribank đều giảm lãi suất tiền gửi rất nhanh và giảm nhiều nhưng cậu em vẫn gửi ở đó vì có nhiều quan hệ giao dịch vay mượn kinh doanh ở đây, chuyển đi cũng không tiện”.

Chị Hồng Yến cho rằng: “Thực ra ngân hàng chỉ là 1 kênh gửi tiền cho an toàn, không sợ tiền mất giá do lạm phát thôi chứ không phải là kênh đầu tư, chỉ cần lãi suất cao hơn mức lạm phát hàng năm là được”.
 
Huy động dài hạn lên ngôi
 
Chiều nay 10/5, dạo quanh phòng giao dịch của một số ngân hàng tại Hà Nội, không khí giao dịch có vẻ lắng xuống. Không còn cái không khí ồn ào, đông đúc như thời điểm lãi suất huy động ồ ạt vượt lên mức 18 - 20% của vài năm trước đây.

Điều này có thể dễ dàng lý giải nguyên do bởi một số ngân hàng lớn vừa có đợt điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn gây “sốc” đối với người gửi tiền. 4 ngân hàng “đại gia” chiếm thị phần lớn trên thị trường ngân hàng đã mạnh tay đưa lãi suấy huy động kỳ hạn một tháng về quanh mức 6%/năm, thậm chí là 5%/năm.

Agribank công bố biểu lãi suất huy động mới.
Agribank công bố biểu lãi suất huy động mới.

“Vẫn biết rằng lãi suất đầu vào giảm là để các ngân hàng cắt giảm một phần lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp vay được vốn rẻ để làm ăn, khôi phục hoạt động đầu tư, nhưng với tư cách người đi gửi tiền, tôi không thể không buồn. Không so sánh xa xôi với cái thời điểm lãi suất tăng như “nước lũ” năm 2008 mà chỉ cần so với năm ngoái, khoản lãi tiền gửi 1 tỷ đồng của tôi hiện nay cũng đã bị hao hụt 1 nửa”, bà Loan - một cán bộ về hưu ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết.

Và dù biết lãi suất giảm, gia đình mất một khoản chi tiêu nhưng bà Loan không có sự lựa chọn khác cho khoản tiền nhàn rỗi của mình. “Đó là số tiền vợ chồng tôi dưỡng già. Gửi tiết kiệm vẫn chắc chân nhất. Thế nên, thay vì gửi kỳ hạn 1 tháng như trước đây, tôi đã chuyển sang kỳ hạn 1 năm”, bà Loan cho biết thêm.

Cùng chung lo lắng lãi suất còn giảm tiếp, khi các ngân hàng mới rục rịch điều chỉnh, chị Thanh Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nhanh chóng chuyển khoản tiền tiết kiệm về kỳ hạn 1 năm. “Gửi vậy cho chắc, biết đâu lãi suất còn giảm thêm. Đây là khoản tiền tôi dành dụm cho con học hành sau này nên thời gian tới có lẽ không phải dùng đến”, chị Thanh nói.

Trao đổi với báo chí tại buổi công bố giảm các mức lãi suất điều hành chủ chốt vào sáng nay, trả lời câu hỏi ngành ngân hàng có quan tâm đến tâm trạng của người gửi tiền khi lãi suất huy động liên tục giảm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết: “Khi lãi suất cao, chúng ta quan tâm đến việc người vay phải vay lãi suất cao, còn khi lãi suất thấp chúng ta sẽ quan tâm đến việc người gửi tiền có đảm bảo lợi ích không. Cả hai mối quan tâm này, Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước cũng đều coi trọng như nhau”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Tiến, mức lãi suất mà một số tổ chức tín dụng lớn giảm tùy theo kỳ hạn, trong đó những kỳ hạn ngắn, có tính chất không ổn định ở mức 5 - 6%, còn các kỳ hạn dài, ổn định hơn ở mức 7%/năm so với kỳ vọng lạm phát hiện nay là thực dương.

“Ngân hàng luôn là chỗ trú chân an toàn nhất cho các khoản tiền gửi và chúng tôi đảm bảo cho các mức lãi suất tiền gửi đó cao hơn mức lạm phát, đảm bảo cho người gửi tiền có được sự sinh lợi nhất định. Đồng thời, các chính sách về lãi suất cũng sẽ tạo ra một nguồn vốn với mức giá hợp lý để ngân hàng cho doanh nghiệp vay với mức hợp lý”, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhắn nhủ.

Nguyễn Hiền - Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm