Cần phải thể chế hóa vai trò then chốt của doanh nghiệp Nhà nước

(Dân trí) - Đó là ý kiến của ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo "Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đang diễn ra chiều nay 6/6 tại Hà Nội

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức.
 
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo.

 

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X (2001) và các Nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang được đổi mới, với tỷ trọng GDP giảm dần (từ mức 34,72% năm 2009 còn 32,4% năm 2013) nhưng vẫn có vai trò chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt và tập trung hơn vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã và đang được đổi mới, sắp xếp lại, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy số lượng giảm mạnh, lĩnh vực, địa bàn thu hẹp nhưng doanh nghiệp nhà nước có bước phát triển quan trọng về quy mô tài sản, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước.

 

Số liệu thống kê đến hết năm 2012, doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản 2.570 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.019 nghìn tỷ đồng, doanh thu 1.709 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 167 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 222 nghìn tỷ đồng. Năm 2013, riêng 18 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, có vốn nhà nước là 840 nghìn tỷ đồng (chiếm 83% vốn nhà nước tại doanh nghiệp), tổng giá trị tài sản 1.985 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu 1.184 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 191 nghìn tỷ đồng. Có 17/18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói trên có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 16,13%, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,3 lần.

 

Trong năm 2013, chỉ tính riêng nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối doanh nghiệp Trung ương lên đến 297 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 36% tổng thu ngân sách nhà nước. Về cơ bản, doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành các ngành công nghiệp, ngành kinh tế quan trọng, then chốt của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước có vai trò quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Các đại biểu tham gia hội thảo.
Các đại biểu tham gia hội thảo.

 

Tuy vậy, kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém, chưa phát huy trên thực tế vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong khu vực kinh tế Nhà nước.

 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Yêu cầu thực tế đặt ra đòi hỏi vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong kinh tế nhà nước phải được thể hiện trên thực tế bằng năng lực cạnh tranh theo quy luật thị trường, bằng hiệu quả kinh tế - xã hội đóng góp cho nền kinh tế, bằng tác động thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, bằng tính vượt trội của năng lực đổi mới công nghệ và trình độ quản lý, chất lượng nguồn lực, nhất là chất lượng nguồn nhân lực.

 

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tất cả doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp nhà nước đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Chúng ta đang nỗ lực không ngừng để hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp, đặc biệt các thủ tục gia nhập thị trường và các chế định hoạt động trên thị trường; xóa bỏ mọi cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực và trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính. Vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước phải được thể chế hóa và hiện thực hóa trong môi trường kinh doanh như vậy.

 

Để phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng, quốc phòng và an ninh. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế và mô hình thực hiện quyền sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu. Hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách đầu tư, quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. 

 

Nguyễn Thanh Liêm

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước