1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cân nhắc thẩm quyền lực lượng hải quan, tránh chồng chéo

(Dân trí) - Ủy ban Pháp luật cho rằng: Ở ngoài địa bàn hoạt động hải quan, luật Hải quan cần bảo đảm không quy định chồng chéo giữa thẩm quyền của lực lượng hải quan với thẩm quyền của các lực lượng chức năng khác như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường…

Ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hải quan (sửa đổi) trước Quốc hội.

Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật hải quan như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời, nhận thấy dự án Luật hải quan (sửa đổi) là một dự án Luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, tác động sâu rộng tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hải quan (sửa đổi) cũng đã nhấn mạnh tới những quy định chưa thật sự phù hợp, đề nghị ban soạn thảo luật sửa đổi. Trong đó, về thẩm quyền tiếp tục truy đuổi của lực lượng hải quan, Điều 91 dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của lực lượng hải quan tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hàng hoá, phương tiện vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan (đoạn 3 khoản 1 Điều 91).

Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan có thẩm quyền đầy đủ trong việc phát hiện, phòng, chống và xử lý đối với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ở ngoài địa bàn hoạt động hải quan cần bảo đảm không quy định chồng chéo giữa thẩm quyền của lực lượng hải quan với thẩm quyền của các lực lượng chức năng khác như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường…

Đối với trường hợp hàng hoá, phương tiện vận tải là hàng hóa, phương tiện vận tải buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan, nếu quy định về thẩm quyền của lực lượng hải quan tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 91, theo đó ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp hoặc chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Do vậy, Ủy ban pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổng kết, đánh giá việc thi hành cơ chế phối hợp giữa Hải quan với các cơ quan, đơn vị hữu quan để có cơ sở quy định phù hợp vấn đề này trong Luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn về mặt thẩm quyền giữa các cơ quan.


Lực lương hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa (ảnh: HNM).
Lực lương hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa (ảnh: HNM).

Về việc áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ của lực lượng hải quan trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, Ủy ban Pháp luật nhận định, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) quy định giao các thẩm quyền cho lực lượng hải quan là cần thiết, tương xứng với nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cần cân nhắc thẩm quyền của lực lượng hải quan trong hoạt động điều tra, kiểm soát để một mặt bảo đảm thẩm quyền tương xứng với trách nhiệm, mặt khác tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo với các lực lượng chức năng khác, đồng thời cần bảo đảm các quyền nhân thân, quyền tài sản của cá nhân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì, một số quy định trong dự thảo Luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng hải quan còn chưa thống nhất về cách thức thể hiện, dễ dẫn đến cách hiểu là có sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Vì vậy, Ủy ban pháp luật đề nghị rà soát lại toàn bộ các quy định có liên quan đến thẩm quyền của lực lượng hải quan trong xử lý vi phạm hành chính, điều tra hình sự, tố tụng hình sự để quy định trong dự thảo Luật theo hướng: những vấn đề nào đã được quy định trong luật chuyên ngành thì không quy định lại trong dự thảo Luật mà dẫn chiếu tới các luật liên quan; những vấn đề mang tính đặc thù của ngành hải quan thì quy định cụ thể để thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.

Liên quan đến trách nhiệm phối hợp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu và việc áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, theo Tờ trình của Chính phủ thì, Luật Hải quan hiện hành chưa xác định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan hải quan, của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trong việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu để bảo đảm thông quan hàng hóa nhanh, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Luật đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có quy định về cơ chế một cửa quốc gia tại khoản 3 Điều 35 và Điều 67 và nội dung chủ yếu giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế, để khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ các nội dung cơ bản của việc xác lập và áp dụng cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời, cần xác định trách nhiệm của cơ quan hải quan, làm rõ cơ chế phối hợp với các cơ quan Nhà nước hữu quan tại cửa khẩu, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi tiến hành kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm