Căn hộ cơi nới: Mất tiền "mua" rắc rối

Thay vì làm đúng như thiết kế, giấy phép xây dựng, nhiều chủ đầu tư dự án nhà chung cư đã tự ý chuyển đổi công năng của tòa nhà, biến các tầng thương mại, kỹ thuật thành căn hộ để bán thu tiền tỷ. Trong khi đó khách hàng gặp nhiều rủi ro khi mua căn hộ cơi nới, biến tướng này.

 Các căn hộ ở tầng cơi nới
 Các căn hộ ở tầng cơi nới

Bán “chui”

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Việt Nam mình còn nghèo cũng phải thôi
* Trần ai những chặng đường đòi lương
* Tội phạm chính sách, lợi ích nhóm... gây hại cho nền kinh tế
* Cảnh tượng khi người Việt được ăn miễn phí, mua giảm giá
* Nhiều khả năng giá vàng còn giảm sâu trong tuần tới
* Đổi phận chung cư cũ: Ăn thua ở miếng đất vàng

Anh Lê Xuân Hùng ở quận Hà Đông đứng ngồi không yên trước thông tin dự án Nam Xa La (Hà Đông) của Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng khu CN Phúc Hà làm chủ đầu tư chưa được phép chuyển đổi tầng thương mại, dịch vụ thành căn hộ. “Thấy giá rẻ nên gia đình chấp nhận mua căn hộ tầng dịch vụ. Lúc ký hợp đồng, chủ đầu tư cam kết tháng 12/2014 giao nhà và hoàn thành thủ tục chuyển đổi nhưng giờ vẫn chưa thấy đâu”, anh Hùng nói.

Được biết, khu chung cư Nam Xa La bao gồm 30 tầng nổi và 2 tầng hầm, trong đó tầng 1 đến 2 là tầng thương mại và siêu thị; tầng 3 là văn phòng cho thuê. Từ tầng 4 đến tầng 30 mới là căn hộ để ở, nhưng hiện ở khu thương mại và văn phòng cho thuê đã được chia thành các căn hộ để bán.

Tương tự một dự án chung cư ở đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm). Theo giấy phép xây dựng có 2 hầm để xe; 5 tầng văn phòng và 25 tầng căn hộ. Tuy nhiên, hiện cư dân ở đây phát hiện những điều bất thường khi chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng, chia thêm nhiều căn hộ để bán. Theo bảng danh sách tiền điện tháng 10 được dán ở tòa nhà A, khác với tất cả các tầng khác được ký hiệu bằng số tầng cùng với mã số căn thì hai tầng trên cùng lại có ký hiệu là tầng 30 và tầng 30A.

Đi theo hệ thống thang máy, thang dừng lại ở tầng 30, còn các cư dân tầng 30A (tầng 31 - PV) thì phải đi thang bộ. Theo tìm hiểu của PV, tầng 31 là tầng cơi nới không nằm trong giấy phép hiện có 18 căn hộ với diện tích từ 50 đến 83m2. Các căn hộ không có ban công nhưng ở giữa ngay lối cầu thang có sảnh khá rộng vẫn được dùng làm sân chơi. Hiện nay, rất nhiều căn hộ đã có cư dân dọn đến ở.

Một cư dân tại tầng 31 này cho biết, các căn hộ ở đây chỉ bán giá ưu đãi cho cán bộ nhân viên của tập đoàn với mức giá 14 triệu đồng/m2, nhưng gia đình họ mua lại với giá 18 triệu đồng/m2. Cách đây vài tháng có hộ bán với giá 20 triệu đồng/m2.

“Ngoài giá rẻ hơn so căn hộ thông thường, các hộ dân sống tại tầng 31 cũng được hưởng ưu đãi về mức phí. Mức phí đang được chủ đầu tư áp dụng tại các tầng 7.000 đồng/m2 thì tầng 31 mức phí được tính riêng là 5.000 đồng/m2”, một cư dân cho biết. Tuy nhiên, theo cư dân này, trong hợp đồng mua căn hộ của gia đình cũng không có điều khoản về sổ đỏ.

Người mua nhà gặp nhiều rủi ro

Các chuyên gia BĐS cho rằng, việc khách hàng mua căn hộ từ các tầng thương mại, tầng kỹ thuật chuyển đổi công năng sẽ gặp rủi ro cao bởi vì khách hàng bỏ tiền để mua nhưng tính pháp lý của tài sản không được công nhận và như vậy thì không thể xem đó là tài sản của mình.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên& Môi trường Hà Nội cho biết, trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều chủ đầu tư vi phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng các dự án về nhà ở đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp sổ đỏ.

“Việc cấp sổ đỏ, sổ hồng tại những dự án nhà ở bị tắc lỗi chính là do chủ đầu tư. Đặc biệt do các chủ đầu tư vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được duyệt, chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên người mua nhà gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro trong việc cấp sổ”, ông Nghĩa cho biết.
 
Theo ông Nghĩa, các chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng biến tầng kỹ thuật, thương mại hay nâng thêm tầng thành các căn hộ để bán là sai, là phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đối với người mua nhà, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm.

“Trong những dự án nhà ở chủ đầu tư sai phạm, cơ quan nhà nước vẫn phải xem xét cấp cho người mua nhà và xử lý sai phạm của chủ đầu tư. Nhưng việc xử lý các chủ đầu tư vi phạm thường vào thế chuyện đã rồi. Theo tôi, bên cạnh việc xử lý theo luật, TP cũng sẽ xem xét chế tài bổ sung như không phê duyệt dự án hay không cho phép tham gia đấu thầu các dự án trên địa bàn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trần Chủng - Trưởng ban chất lượng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) phân tích, việc chuyển đổi công năng tầng dịch vụ, thương mại hay nâng thêm tầng căn hộ để bán sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến tòa nhà và những người sinh sống trong đó. “Thiết kế đã duyệt, đã thẩm định giờ anh lại thay đổi nâng thêm tầng, thay đổi công năng tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tòa nhà. Thậm chí gây mất an toàn, kết cấu của tòa nhà”, ông Chủng nói.
 
Theo Bảo Đăng
Tiền Phong

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”