Hệ thống phân phối bán lẻ Việt Nam:
Cần đánh mạnh vào lòng tự tôn dân tộc
(Dân trí) - Khi nhắc đến yếu tố chuyên nghiệp, nhiều người tiêu dùng vẫn e ngại cho hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam, vấn đề này thực sự “nóng” trước lộ trình hội nhập của dịch vụ phân phối và bán lẻ khi Việt Nam gia nhập WTO đang gần kề.
Cuộc chạy nước rút
Những chuyển động trên thị trường bán lẻ gần đây cho thấy tập đoàn siêu thị đang thống trị châu Á là Dairy Farm đang ráo riết chuẩn bị bố trí Layout quầy kệ, concert, hàng hoá cho việc ra đời siêu thị đầu tiên của mình ở Việt Nam.
Tập đoàn bán lẻ Dairy Farm hiện đang quản lý và điều hành hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng ở khắp châu Á dưới các tên gọi: Dairy Farm, 7 - Eleven, Wellcome, Mannings, Ikea, Giant, Foodword, Guardian…
Trong khi đó, Citimart thì chuyển hướng hoạt động và đang ráo riết chuẩn bị để khai trương hàng loạt cửa hàng tiện lợi theo mô hình mới tại các địa điểm đặt cây xăng của Petrolimex, và các khu chung cư cao tầng, dưới tên gọi mới: Citimart Best & Buy và đã đưa vào hoạt động cửa hàng đầu tiên tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TPHCM.
Cũng hoạt động dưới mô hình cửa hàng tiện lợi (C-Store) nhưng không ồn ào như G7mart, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Phạm Trang đã âm thầm khai trương ba cửa hàng tiện lợi với tên gọi Small Mart 24h/7 tại quận 1, quận 5 và chung cư Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh, TPHCM).
Ba cửa hàng này là khởi đầu của chuỗi 10 cửa hàng tiện lợi Small Mart 24h/7 sẽ được lần lượt khai trương tại TPHCM cho đến cuối năm nay. Small Mart 24h/7 còn kèm theo các dịch vụ giao báo, sữa và bánh ngọt buổi sáng. Quả là một lựa chọn khôn khéo của “người nhỏ” trong việc chia phần miếng bánh bán lẻ.
Rầm rộ nhất trong thời gian gần đây vẫn là hệ thống phân phối G7mart do ông chủ hãng cà phê Trung Nguyên làm chủ đầu tư đã đồng loạt khai trương 500 cửa hàng tiện lợi, 9.500 cửa hàng G7 thành viên và 70 trung tâm phân phốI trên toàn quốc vào đầu tháng 8 vừa qua.
G7Mart thực sự đã tạo ra được một cuộc “cách mạng” trong việc đổi mới thị trường bán lẻ Việt Nam trước nguy cơ thôn tính của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khi nước ta gia nhập vào WTO.
Với sự chuyển đổi từ cửa hàng tạp hoá truyền thống đang hoạt động thành chuỗi cửa hàng tiện lợi G7mart được đầu tư tài chính, hệ thống nhận diện thương hiệu, huấn luyện phương thức bán hàng hiện đại, cung cấp giải pháp chuẩn hoá trong trưng bày hàng, hệ thống phần mềm quản lý bán lẻ, hệ thống bảng quảng cáo…
Nhắc lại bào ca kết đoàn
Trong kinh doanh bán lẻ, việc “hiểu người, hiểu ta” sẽ quyết định sự sống còn của một thương hiệu. Chính vì thế mà mỗi hệ thống phân phối bán lẻ đã chọn cho mình một lối đi riêng.
Hệ thống siêu thị Co.opMart ngay từ đầu đã chọn đi theo hướng gắn thương hiệu mình với thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong suốt 9 năm qua nhằm tạo ra một mô hình đặc trưng với hơn 80% hàng Việt Nam chất lượng cao đang kinh doanh tại siêu thị.
Với tiêu chí đó, hàng năm vào tháng 9, Co.opMart đã dành hàng chục tỷ đồng để tạo sự kiện đặc biệt trong năm nhằm tôn vinh hàng Việt Nam dưới nhiều hình thức quảng bá, tuyên truyền, kêu gọi người Việt ủng hộ hàng Việt thông qua Ngôi nhà chung Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Co.opMart, khuyến mãi, giảm giá đặt biệt, trình diễn sản phẩm mới… đã được nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng ứng.
Bằng cách này, Co.opmart đã lôi kéo được một lượng người tiêu dùng khá đông đến với mình, mỗi ngày trung bình đón hơn 60.000 lượt người đến mua sắm tại hệ thống bán lẻ Co.opMart.
Trong khi đó, hệ thống phân phối G7mart ra đời bằng cách khơi gợi lại lòng tự tôn dân tộc của người Việt. Đây là một vịêc làm thật ý nghĩa, nhất là trong tình hình hiện nay giới trẻ ngày càng có tâm lý vọng ngoại và hàng hoá nước ngoài đang tràn ngập các siêu thị Việt như hiện nay.
Từ tư duy cho đến một kế hoạch hành động cụ thể, G7mart đã đưa ra một tư duy mới về thương mại, theo đó: “Thương mại không thuần tuý là việc trao đổi hàng hoá và dịch vụ giữa các doanh nghiệp, giữa các quốc gia; mà nó trở thành cuộc chiến toàn diện của toàn dân để giữ vững tự chủ kinh tế và khẳng định vị thế quốc gia trên bản đồ thế giới”.
Từ tư duy đó, G7mart đã đi đến sứ mạng của mình, phải xây dựng và hoàn thiện một hệ thống phân phối số một Việt Nam thông qua việc thể hiện tinh thần, niềm tin, phương pháp, mô hình và giái pháp của người Việt mới nhằm thúc đẩy sự trỗi dậy mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu.
Giá trị cốt lõi của G7mart là dùng sức ảnh hưởng của văn hoá Việt, con người Việt và hàng hoá Việt thông qua mô hình Việt Town để đoàn kết người Việt mới trên toàn thế giới và là thăng hoa hàng hoá, văn hoá Việt.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch G7mart, thì sự thức tỉnh này tuy có trễ hơn nhiều so với người Hoa nhưng vẫn chưa quá muộn cho người Việt Nam hiện nay. Đồng thời ông cho rằng, cuộc cách mạng này nếu thành công, G7mart sẽ thực sự làm đối trọng với các tập đoàn siêu thị ngoại quốc ở một giá trị khác ngoài quyền tự chủ dân tộc.
Nhứt Lễ