Cấm SCIC đầu tư vào doanh nghiệp do người thân các "sếp" đứng đầu

(Dân trí) - Công ty do vợ (chồng), cha mẹ đẻ, con và người thân lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thì công ty này không được bỏ vốn đầu tư, mua cổ phần trong thời gian sắp tới.

Đây là quy định được bổ sung sửa đổi vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị định 147/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới về cơ chế, quản lý của SCIC
Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới về cơ chế, quản lý của SCIC

Theo quy định của Chính phủ, những hoạt động SCIC không được rót vốn đầu tư gồm: Đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp (DN) đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của Tổng công ty.

Ngoài ra, SCIC không được góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu các công trình, dự án hạ tầng quan trọng mà Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư, SCIC được tham gia với vai trò nhà đầu tư tài chính và huy động nguồn vốn trong và ngoài nước để triển khai thực hiện.

Việc xác định giá khởi điểm khi bán phần vốn nhà nước cũng được sửa đổi, giá khởi điểm khi bán phần vốn nhà nước phải bảo đảm phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN.

Theo quy định, giá trị thực tế gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác (nếu có) của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bán vốn.

Cũng về SCIC, Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2017/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của DN này, trong đó có vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề kinh doanh có liên quan được Chính phủ giao.

Trong 9 quyền của SCIC được quy định, Chính phủ cho phép cơ quan này được thành lập, tham gia góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết. SCIC được quyết định thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương.

Đặc biệt, SCIC được cử, ủy quyền và đánh giá hoạt động của Người đại diện; miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện; quyết định mức thù lao, thưởng và các lợi ích khác của Người đại diện tại các doanh nghiệp được giao quản lý.

Cơ quan này cũng được quyền giao nhiệm vụ cho người đại diện quyết định những nội dung theo quy định của pháp luật, quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Điều lệ này. Tham gia lựa chọn Người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao vốn về SCIC.

Nguyễn Tuyền

Cấm SCIC đầu tư vào doanh nghiệp do người thân các "sếp" đứng đầu - 2