Cấm chuyển lãi kinh doanh BĐS: Lỗi thời cần sửa kịp thời

Quy định không được chuyển lãi từ kinh doanh BĐS cho các lĩnh vực khác đang trở nên lỗi thời trong bối cảnh hiện nay khi Nhà nước cho phép các doanh nghiệp (DN) tự do được đầu tư, kinh doanh đa ngành nghề.

Hạn chế đầu tư mở rộng

Những năm gần đây, thị trường BĐS đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các DN BĐS đang ngày càng lớn mạnh về quy mô, tích lũy tiềm lực tài chính và có xu hướng mở rộng sang một số ngành nghề khác. Việc đầu tư đa ngành của các DN bất động sản hiện tại được cho là bước tính xa nhằm tăng giá trị gia tăng, chớp thời cơ và tạo thế cân bằng cho DN trong dài hạn.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành chia sẻ, xu hướng hiện nay có những DN xuất phát từ BĐS sang làm ngành nghề khác, một số DN làm nghành nghề khác nhảy vào BĐS. Một khảo sát cũng cho thấy, các tập đoàn đa ngành nghề trong đó có BĐS là mũi nhọn đang là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập.

Cấm chuyển lãi kinh doanh BĐS: Lỗi thời cần sửa kịp thời - 1

Kinh doanh đa ngành đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp BĐS

Tuy nhiên, việc chỉ cho phép bù trừ lỗ từ hoạt động kinh doanh bất động sản sang hoạt động sản xuất kinh doanh khác mà không được điều chuyển ngược lại đã cản trở quá trình phát triển, mở rộng của DN.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, khi Nhà nước cho phép DN kinh doanh thêm một số ngành nghề thì các ngành nghề đó là một thể thống nhất. Như nguyên tắc bình thông nhau, cùng một bình thì đương nhiên được bù trừ qua lại giữa các ngành nghề.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico không ngần ngại chỉ rõ căn nguyên của sự vô lý này là thời kỳ chứng khoán và bất động sản “sốt cao”, quy định một chiều này sẽ tận thu được tối đa thuế từ hai hoạt động này. Tuy nhiên, quy định này rất bất hợp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh chung của DN, đặc biệt khi chỉ hoạt động chuyển nhượng bất động sản có lãi, còn các hoạt động khác lỗ.

Theo ông Đức, đây là lý do khiến nhiều DN lỗ, thậm chí lỗ nặng, nhưng có khi vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng tiếc là mấy lần sửa Luật Thuế TNDN vào 2013 và 2014, dù đã có kiến nghị sửa đổi nhưng điều bất hợp lý trên vẫn được duy trì.

Đảm bảo sự công bằng

Ông Nguyễn Ngọc Thành , Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam lý giải, quá trình hình thành các chính sách có mục tiêu quản lý ở những giai đoạn khác nhau. Quy định trên đã được áp dụng cách đây nhiều năm nhằm tách riêng hoạt động BĐS ra khỏi các hoạt động khác. Lý do là thời điểm đó, thị trường BĐS còn quá mới, bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình phát triển nên Nhà nước muốn tách riêng để theo dõi.

Cấm chuyển lãi kinh doanh BĐS: Lỗi thời cần sửa kịp thời - 2

DN BĐS kiến nghj cơ chế công bằng

Tuy nhiên, theo ông Thành, quy định này chỉ đúng được một phần ở giai đoạn đầu của thị trường BĐS, hiện đã ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, tạo nên phân biệt, thiếu bình đẳng trong các hoạt động kinh tế của nền kinh tế thị trường.

“Quy định phân biệt này không nhằm được mục tiêu nào cả mà chỉ gây ra khó khăn cho hoạt động kinh tế của DN mà thôi”, ông Thành nói.

Phân tích của lãnh đạo HH BĐS Việt Nam cũng cho thấy, bản thân DN chỉ hoạt động theo luật nhà nước cho phép và hiện nay là luật DN mới càng khẳng định cho phép hoạt động đa năng, đa ngành chỉ không được làm những cái gì luật không cho phép.

“Anh đã cho người ta hoạt động đa năng đa ngành nghĩa là kinh tế có tính tổng hợp có sự hỗ trợ lẫn nhau, và có sự kết nối lẫn nhau, như một cơ thể sống, không thể tách rời cái dạ dày ra khỏi cơ thể để chữa cái dạ dày đó, bắt cái dạ dày đó phải thế nọ thế kia. Cái đó đang thể hiện cái bất hợp lý trong việc tách rời hoạt động BĐS ra trong cơ thể một DN”, ông Thành chia sẻ.

Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị cần phải thay đổi theo hướng hạch toán lỗ lãi chung với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, để bảo đảm sự công bằng, hợp lý, ổn định cho DN cũng như không làm méo mó thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng cần có một sự thay đổi, điều chỉnh về chính sách, vì việc phân biệt hiện chỉ gây khó khăn cho DN, đồng thời không phản ánh đúng bản chất của hoạt động của DN.

“Quá trình phát triển kinh tế là liên tục, nên chính sách không thể chờ đợi mà cần phải thay đổi ngay” – ông Thành khẳng định.

Theo Duy Anh
VEF