Cái Mép - Thị Vải có cạnh tranh được với "siêu cảng" mới?

Việc đưa vào khai thác nhiều bến cảng quy mô lớn sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ xếp dỡ tại Cái Mép-Thị Vải.

"Siêu cảng" Gemalink vừa được đưa vào hoạt động khiến nhiều người lo ngại các bến cảng tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) sẽ phải cạnh tranh gay gắt để hút hàng…

Cái Mép - Thị Vải có cạnh tranh được với siêu cảng mới? - 1

Cảng Gemalink ra đời góp phần nâng cao công suất cho toàn cụm cảng Cái Mép - Thị Vải song cũng mang đến thách thức mới cho các bến cảng hiện hữu.

Lo mất nguồn hàng

Giai đoạn 1 cảng Gemalink tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa chính thức đưa vào khai thác với năng lực xếp dỡ lên đến 1,5 triệu Teus/năm. Cảng có 800m chiều dài cầu bến chính, năng lực tiếp nhận cùng lúc hai tàu mẹ, trọng tải 200.000 DWT. 

Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Gemadept, cho biết, ngay khi khai thác đạt 70% công suất, cảng Gemalink sẽ được tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, thêm một cầu bến chính cho tàu mẹ, nâng tổng chiều dài cầu bến chính lên 1.200m (có khả năng tiếp nhận 3 tàu mẹ cùng lúc) và 370m bến Feeder/sà lan, tổng công suất 2,4 triệu Teus/năm.

Đại diện một cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải chia sẻ, cảng Gemalink ra đời với lợi thế luồng sâu (tàu mẹ cùng tải trọng có thể xếp thêm khoảng 200 container so với các bến tại CM-TV), các bến cảng: TCIT, TCTT (Tân Cảng Sài Gòn đang khai thác) và các bến: SSIT, CMIT tại CM-TV có thể đối diện với nguy cơ "tuột tay" nhiều tuyến dịch vụ.

Theo tính toán, lượng hàng container thông qua khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải mỗi năm tăng từ 800.000 - 1.000.000 Teus. Dự báo chỉ khoảng 2 năm nữa, công suất khai thác của cảng Gemalink với 1,5 triệu Teus sẽ lấp đầy.

"Trong một vài năm tới, các cảng kế cận với chiều dài cầu bến, độ sâu luồng lạch thấp hơn có thể bị "tổn thương" về nguồn hàng. Nhưng khi Gemalink đạt công suất thiết kế, cơ hội về hàng hóa mới chia đều cho các bến cảng", vị này cho biết.

Phó Tổng giám đốc Gemadept Phạm Quốc Long cho rằng, năng lực, cầu bến của Gemalink có hạn. Các cảng hiện hữu đều có các đối tác nước ngoài, hãng tàu trong liên doanh nên các hãng tàu đang khai thác tại các bến trong cụm CM-TV khó chuyển sang Gemalink.

Xếp hạng chất lượng dịch vụ để cạnh tranh lành mạnh

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, căn cứ quy hoạch được phê duyệt, cảng biển Vũng Tàu được quy hoạch phát triển với lượng hàng container thông qua dự kiến năm 2020 khoảng từ 3,14 - 3,30 triệu Teus/năm.

"Thực tế sản lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu trong 3 năm qua tăng trưởng rất nhanh, đạt bình quân gần 18%/năm. Năm 2020 cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt 7,55 triệu Teu, vượt dự báo hàng hóa cho thời điểm năm 2020. Trước khi cảng Gemalink hoạt động, khu vực Cái Mép - Thị Vải có 6 dự án cảng container với công suất thiết kế chỉ 6,8 triệu Teus. Vì vậy, việc đưa bến cảng Gemalink vào khai thác, bổ sung kịp thời năng lực xếp dỡ hàng hóa container để phục vụ nhu cầu thông qua hàng hóa trong khu vực", ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, việc đưa vào khai thác nhiều bến cảng quy mô lớn sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ xếp dỡ tại Cái Mép - Thị Vải.

"Cục Hàng hải Việt Nam cũng báo cáo Bộ Giao thông Vận tải ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, hình thành hệ thống xếp hạng chất lượng dịch vụ tại cảng biển để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng", ông Giang thông tin.

Cái Mép - Thị Vải vẫn đối diện nguy cơ quá tải dù có cảng mới

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Hồ Kim Lân, bến cảng Gemalink đưa vào khai thác nâng tổng công suất xếp dỡ container khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải lên 8,3 triệu Teus. Như vậy, sản lượng thông qua 7,55 triệu Teu năm 2020 đã đạt gần 91% công suất thiết kế các bến cảng.

Với tốc độ phát triển 18% mỗi năm như hiện nay, chủ yếu là hàng đi tuyến xa, sử dụng tàu lớn, chỉ cần 3 năm nữa là lượng hàng qua cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải sẽ tăng gấp đôi. Nghĩa là, nguy cơ quá tải cung cầu cảng biển cho tàu lớn tại Cái Mép - Thị Vải đã hiển nhiên, cảng Gemalink đưa vào sử dụng cả hai giai đoạn cũng chỉ trụ thêm được vài năm nữa.

"Thực trạng đó đòi hỏi quy hoạch hệ thống cảng biển nước sâu của Việt Nam phải có một kế hoạch tổng thể, phát triển theo hệ thống quy mô lớn thay vì làm theo kiểu cơi nới ngắn hạn, nhỏ lẻ như hiện nay.

Muốn làm được như vậy, vai trò "nhạc trưởng" của Nhà nước rất quan trọng. Trong đó, mô hình chính quyền cảng tại từng khu vực cần phải được cơ quan chức năng xem xét thành lập. Tổ chức này đứng ra làm chủ đầu tư phát triển toàn diện về quy hoạch cảng biển, giao thông kết nối, dịch vụ đảm bảo chiến lược phát triển của cảng nước sâu và cảng biển thuộc khu vực", ông Lân đề xuất.

Theo đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các cảng container quốc tế khu vực CM-TV hiện chỉ có chiều dài cầu cảng khoảng 600m. Với quy mô cỡ tàu ngày càng lớn, các cầu cảng không thể đón hai tàu mẹ cùng một lúc như bến cảng Gemalink.

"Để nâng cao năng lực khai thác, khu vực Cái Mép - Thị Vải mới chỉ có hai bến TCIT, TCTT cùng thuộc Tân Cảng liên kết với nhau điều phối tiếp nhận tàu nhịp nhàng. Trường hợp tàu vào TCIT nhưng không có chỗ cập cảng, sẽ có thể cập sang bến TCTT (khi có sự chấp thuận của hãng tàu). Ngoài ra, các bến: CMIT, TCTT, SSIT nhiều lần bàn chuyện liên kết bến cảng để kéo dài cầu cảng, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu. Tuy nhiên, quá trình này vẫn chưa có kết quả khi các bên chưa thống nhất được lợi ích. Thời gian tới, các cảng cần ngồi với nhau để tìm hướng liên kết chiến lược, cùng nhau phát triển bền vững", vị đại diện này chia sẻ.

 

Theo Nam Khánh

Báo Giao thông