1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cái khó bó... thưởng tết

Không có các mức thưởng tết “khủng” như ở doanh nghiệp FDI, lao động trong các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ ở khu vực nông thôn chỉ mong tết có quà.

Tuy nhiên, với xu thế chung, vài năm gần đây nhiều HTX cũng đã cố gắng lo quà, tiền thưởng tết cho người lao động.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Có quà là may lắm…

 

Bà Nguyễn Thị Thắm ở thôn Niêm Ngoại, xã Kỳ Sơn (Thủy Nguyên, Hải Phòng) tham gia góp cổ phần và hoạt động tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Kỳ Sơn từ năm 2008. Kể từ khi tham gia tới nay, hàng tháng bà vẫn được hưởng lãi, còn dịp Tết Nguyên đán thì được nhận túi quà (gồm đường, mì chính) mang tính chất động viên, năm nào việc kinh doanh thuận lợi hơn thì có thêm gói chè và bao thuốc.

 

“Thông thường, HTX tổ chức hội nghị tổng kết, bình xét thi đua vào tháng 3. Những người được bình xét hoạt động tích cực được thưởng một khoản nho nhỏ mang tính chất động viên” - bà cho biết.

 

Cái khó bó... thưởng tết
Thưởng tết cho người lao động trong khối doanh nghiệp nhỏ và HTX hầu như không đáng kể (ảnh minh họa).

 

Theo ông Đỗ Văn Lâu - Chủ nhiệm HTX Kỳ Sơn, lao động trong HTX vừa là người nhận dịch vụ, vừa làm dịch vụ nên rất khó để tính như một lao động làm công ăn lương bình thường. Vào dịp cuối năm, Ban quản trị chọn lọc, bình bầu khoảng 10 người với mức thưởng là 100.000 đồng/người. “Do lĩnh vực hoạt động bó hẹp, kinh phí hạn chế nên việc thưởng tết cho lao động của HTX thực sự cũng còn khó khăn” - ông Lâu nói.

 

Tại HTX nuôi trồng thủy sản Tân Thành ở phường Hải Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng, thì thực sự có thưởng tết nhưng không phải ai cũng được thưởng. Cuối tháng 12 này, đơn vị họp tổng kết, bình bầu ra những cá nhân xuất sắc mới được thưởng.

 

Ông Nguyễn Văn Dảo - Chủ nhiệm HTX nói: “Ban quản trị HTX bình xét khoảng 20 người được nhận thưởng tết, với mức thưởng mỗi người là 500.000 đồng và túi quà trị giá khoảng 200.000 đồng. Còn đối với hộ sản xuất giỏi, HTX đề xuất với địa phương để có quà động viên”.

 

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN về vấn đề thưởng tết cho lao động HTX và làng nghề, ông Dương Chính Nghĩa - Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng cho biết: “Lĩnh vực hoạt động của các HTX nhỏ nên việc đảm bảo lương hàng tháng cho lao động phục vụ cho HTX cũng đã khó khăn, việc có khoản dư để thưởng tết lại càng khó”.

 

Theo thống kê của Chi cục này, thành phố hiện có khoảng 159 HTX. Trên thực tế, việc có thưởng tết cho người lao động tại các đơn vị của HTX hầu hết chỉ mang tính chất động viên bằng quà, nếu có thưởng tiền cũng không đáng kể.

Theo khảo sát chung của Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội và TP.HCM, mức thưởng tết phổ biến ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp mức trung ở Việt Nam thường là tháng lương thứ 13 (có nơi thưởng thêm theo thâm niên và hỗ trợ tàu xe về tết, nếu có). Những lao động khó khăn thường có thêm quà tặng là nhu yếu phẩm ăn tết. Nếu tính theo mức thưởng này, lao động trực tiếp sản xuất sẽ có thưởng tết từ 1,9 - 2,7 triệu đồng (theo mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 182/2013/NĐ-CP). Dự kiến các doanh nghiệp nhóm này sẽ công bố thưởng tết từ 15 tới 20/12.

 

Thất thường thưởng tết

 

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn, việc thực hiện “tháng lương thứ 13” và thưởng tết không có điểm sáng nào đáng kể. Chị Lê Thị Hòa hiện là công nhân cho xưởng sản xuất tăm tre xuất khẩu Tâm Hương ở xã Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho hay, dù ít dù nhiều năm nào chị cũng có quà tết. Còn chuyện lương thưởng thì năm có năm không.

 

Ông Phạm Quốc Hưng – Giám đốc Doanh nghiệp sản xuất giống và chế biến nấm xuất khẩu Hương Nam (Yên Khánh, Ninh Bình) cho biết cơ sở của ông có khoảng 20 lao động, chủ yếu là lao động địa phương. Hàng năm, doanh nghiệp đều trả đầy đủ lương, kết hợp với thưởng tết, tặng quà và tổ chức liên hoan cho anh em. Tuy nhiên, không phải ai cũng được thưởng tết vì có lao động làm khoán việc và làm công nhật. Vì thế, tiền thưởng cũng có sự khác biệt theo từng đối tượng lao động.

 

“Việc chi trả lương, thưởng cho lao động không đơn thuần chỉ là hỗ trợ tinh thần mà qua đó khuyến khích lao động hăng hái làm việc, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng hơn. Chúng tôi hiểu và rất cố gắng làm điều đó, nhưng còn tùy thuộc vào tình hình kinh doanh”- ông Hưng cho biết.

 

Ông Trần Huy Lâm – chủ một cơ sở sản xuất tôm giống tư nhân tại Bình Thuận thì bộc bạch, cơ sở của ông hoàn toàn không có chuyện nghỉ tết hay thưởng tết. Ông bày tỏ: “Chúng tôi tự sản xuất tự hạch toán thu chi, nên làm thì ăn, ngừng thì nghỉ ăn, vì thế không có chuyện nghỉ tết, càng không có thưởng tết. Lao động ở đây, có tháng lương lên tới 30-40 triệu đồng, nhưng cũng có tháng không có đồng nào”.

 

Việc thưởng tết cho lao động trong HTX trên địa bàn chắc chắn là có, tập trung ở các đơn vị HTX phi nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi không nắm rõ được, và cũng không báo cáo Sở LĐTBXH. Sở dĩ Liên minh chúng tôi và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn không nắm rõ được số lượng và đơn vị được thưởng tết là do chức năng quản lý còn chung chung, công tác quản lý còn nhiều bất cập.

 

Ông Nguyễn Hữu Đạo (Liên minh Hợp tác xã và doanh nghiệp Hải Phòng)

 

Dịp cận tết, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và dân doanh đều có báo cáo về lương, thưởng tết. Riêng khối HTX và doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn hầu như không có báo cáo vì văn bản nhà nước ít điều chỉnh, lao động không ổn định. Vấn đề báo cáo về thưởng tết không phải là bắt buộc nên ngay cả các doanh nghiệp cũng ngại công bố, vì đều là dự kiến, có thể không được như mong muốn, hoặc nảy sinh so sánh...

 

Lãnh đạo Phòng Chính sách lao động việc làm Hà Nội

 

Trần Phượng – Lê An (ghi)

 

Theo Trần Phượng - Minh Nguyệt

Dân Việt
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm