Cái giá quá đắt khi độc quyền “giết” cạnh tranh (1)

Không một thị trường viễn thông nào trên thế giới chứng kiến sự độc quyền và thống trị quá lớn như trường hợp đế chế của tỷ phú Carlos Slim tại Mêhicô.

Vào tháng 1/2012, tỷ phú Carlos Slim đã mở một phòng tranh tại thành phố Mêhicô, người đến thăm quan có thể chiêm ngưỡng rất nhiều đồng xu hiếm có. Có khi nghệ thuật mạnh hơn cả lời nói.
 
Cái giá quá đắt khi độc quyền “giết” cạnh tranh (1)  - 1
(Ảnh minh họa)

Ông Carlos Slim giàu nhất thế giới. Theo tính toán của Forbes, ông và gia đình hiện có tổng tài sản khoảng 63 tỷ USD (Bill Gates hẳn sẽ giàu hơn nếu ông ấy không quyên nhiều tiền cho từ thiện đến vậy). Tại Mêhicô, tỷ phú Slim như một “người khổng lồ”, các công ty của ông có tổng giá trị vốn hóa tương đương 30% giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Mêhicô.

Tài sản của gia đình Slim chủ yếu đến từ ngành viễn thông. Ban đầu, ông giàu lên nhờ bất động sản, khai mỏ và nhiều công việc kinh doanh khác. Ông Slim, con trai của một người nhập cư gốc Libăng, đã mua lại công ty viễn thông Telmex vào năm 1990. Hiện nay, Telmex nắm khoảng 80% hệ thống tại Mêhicô và khoảng 75% thuê bao băng thông rộng. Telcel, công ty mẹ, nắm khoảng 70% thị trường điện thoại di động.

Cả hai công ty trên đều thuộc về América Móvil, liên doanh của tỷ phú Carlos Slim hiện đang hoạt động tại 18 nước thuộc châu Mỹ -Latinh. Với khoảng gần 250 triệu thuê bao, hãng viễn thông của tỷ phú Carlos Slim đứng thứ 3 trên thế giới và đóng góp khoảng 60% vào tổng tài sản của tỷ phú Slim. América Móvil là thị trường lớn nhất của América Móvil, lợi nhuận biên của ngành điện thoại di động thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Người Mêhicô thường phàn nàn rằng họ không thể sống qua được một ngày nếu không nhét vài peso vào túi của Carlos Slim. Trong đầu tư, ông quan tâm và đổ tiền vào nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ đến ngân hàng, xây dựng, truyền thông (ông nắm 8% cổ phần tại New York Times).

Dù vậy ông vẫn không thể đứng vững và chiến thắng trên một thị trường. Ông đã để mất quyền tham gia vào lĩnh vực truyền hình trả tiền ở nước này.

Đã nhiều năm nay, ông cố gắng tham gia vào lĩnh vực, cũng giống như việc đối thủ của ông cố gắng giành thị phần trên thị trường viễn thông của ông. Và chẳng bên nào thành công cả. Các nhà điều tiết ngành viễn thông Mêhicô gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng cường hoạt động cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông. Hoạt động của América Móvil đã hạn chế khả năng của chính phủ Mêhicô trong việc thực thi chính sách và điều tiết hoạt động kinh tế.

Mêhicô phải trả giá đắt cho việc này. Dù là một trong những nước giàu nhất tại khu vực Mỹ - Latinh, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động mới chỉ đạt 88%, thấp nhất tại khu vực. Tại Braxin, một nước nghèo hơn, tỷ lệ này lên tới 199% (số thuê bao điện thoại di động nhiều hơn số dân).

Giá cước áp dụng cho người ít sử dụng và dùng thuê bao trả trước hợp lý. Thế nhưng cước áp dụng với đối tượng khách hàng sử dụng nhiều còn cao hơn tại các nước giàu. Giá cước thuê bao băng thông rộng rất đắt đỏ. OECD tính toán rằng việc giá cước viễn thông các loại quá cao khiến Mêhicô thiệt hại tới 26 tỷ USD/năm (tính theo ngang giá sức mua). Thiệt hại từ hệ thống kết nối Internet kém chưa được tính đến, nhưng rõ ràng nó không hề nhỏ.

Có dấu hiệu ban đầu cho thấy thế thống trị của tỷ phú Slim trong ngành viễn thông Mêhicô đang đối đầu với nhiều thách thức. Tháng 4/2012, Ủy ban cạnh tranh Mêhicô (CFC) đã phạt Telcel, công ty của tỷ phú Slim, 1 tỷ USD, mức hạ cao chưa từng có bởi lý do lợi dụng vị thế thống trị trên thị trường để tính giá kết nối cao với mạng viễn thông của các công ty đối thủ. Ngoài ra, luật mới ngăn độc quyền đã được đưa ra với nhiều quy định khắt khe, trong đó phải kể đến án tù 7 đến 10 năm nếu cố tình vi phạm.

Tại Mêhicô, các quy định chính sách thường bị trì hoãn nhiều năm bởi các nhà hoạch định chính sách còn phải tính đến hành vi cản trở mà tỷ phú Slim cũng như nhiều người khác có thể gây ra.

Theo Ngọc Diệp
Trí thức trẻ