Cải cách "lịch sử": Bộ Công Thương khẳng định vì người tiêu dùng, doanh nghiệp

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, quan điểm là cắt giảm này phải đi vào thực chất, có nghĩa phải đơn giản hóa, thuận lợi môi trường kinh doanh với các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Báo cáo tại cuộc họp ban soạn thảo Nghị định sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương vào sáng 13/10, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, hiện số lượng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý của Bộ ước tính đã cắt được 22% nên kế hoạch cắt giảm toàn bộ sẽ hoàn thành và trình Chính phủ chậm nhất vào cuối tháng 10 này.

Theo ông Tân, quan trọng nhất là cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết bám sát phương án theo Quyết định 3610A về việc loại bỏ 675 điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Công Thương.

"Theo quy định quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì cần có đánh giá tác động, trong đó có tác động đến môi trường kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, các chủ thể. Đồng thời, đánh giá tác động của góc độ quản lý nhà nước, đảm bảo mục tiêu lợi ích chung, lợi ích công cộng, lợi ích cho người tiêu dùng, những người thụ hưởng", ông Tân nói.

Theo ông Tân, đánh giá tác động này liên quan vấn đề thực tiễn. Trên thực tế, đã có chuyên gia nhận thấy và có ý kiến cần cân bằng hoặc đánh giá tác động một cách tích cực tiêu cực.

"Rõ ràng đánh giá tác động để ta thay đổi tư duy cũng như cách thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cùng với một loạt giải pháp mang tính khả thi cả về nguồn lực cũng như cách thức kiểm tra giám sát", ông nói thêm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, có 5 nguyên tắc căn bản của Bộ Công Thương khi tiến hành cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh là: hướng tới chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; dựa trên nền tảng quan trọng là các cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia; bám sát vào Luật Đầu tư; dựa trên đánh giá về các nguồn lực của cơ quan quản lý, các cấp địa phương; đảm bảo tính khả thi và cuối cùng là gắn với cải cách hành chính.

Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương sẽ không chỉ bó lại trong 675 điều kiện kinh doanh dự kiến cắt bỏ, con số loại bỏ thực tế có thể hơn hoặc kém so với số lượng đặt ra ban đầu.

"Không có nghĩa ta cắt 675 mà có thể trên, có thể dưới, nhưng quan điểm là cắt giảm này phải đi vào thực chất, có nghĩa phải đơn giản hóa, thuận lợi môi trường kinh doanh với các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Sau đó vẫn tiếp tục rà soát đơn giản hoá các thủ tục trên tinh thần từng đơn vị trong bộ chủ động làm”, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng khẳng định, các lĩnh vực quản lí nhà nước khác mà Bộ Công Thương chưa nêu trong đề án cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này cũng như trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn mà Bộ đã và đang xây dựng thì vẫn sẽ tiếp tục được rà soát và triển khai trong thời gian tới.

"Ngoài liên quan đến gạo, khí, đa cấp, hóa chất thì còn hàng loạt lĩnh vực khác tiếp tục xem xét và có kế hoạch cụ thể đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như hướng tới cắt giảm bãi bỏ các điều kiện kinh doanh. Tôi cho rằng quan điểm của chúng ta là không quan tâm số lượng mà thực chất cắt giảm này mang lại hiệu quả gì", ông nói thêm.

Phương Dung