Cách nào để cộng đồng DN vực dậy nền kinh tế sau Covid-19?
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp (DN) điêu đứng, muốn phục hồi nhưng thiếu vốn, không thể vay vốn ngân hàng. Lúc này, các chuyên gia đề xuất để SCIC cung cấp "vốn mồi" cho dự án đầu tư của DN.
Đề xuất để SCIC cấp "vốn mồi"
Vốn là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam nhưng dịch Covid-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) điêu đứng, muốn phục hồi nhưng thiếu vốn, cũng không đáp ứng yêu cầu của ngân hàng để vay vốn đầu tư. Trong bối cảnh này, vốn đầu tư công là một trong những động lực để nền kinh tế vực dậy. Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026, nguồn vốn nhà nước được xem như "vốn mồi" dẫn dắt các nguồn vốn khác. Trong khi đó, hiện nay, vốn Nhà nước gồm nhiều nguồn, tiêu biểu như: Ngân sách Nhà nước và thông qua kênh ngân hàng thương mại hay các doanh nghiệp có vốn nhà nước (trong đó có SCIC). Trong số nguồn "vốn mồi" nói trên, nguồn vốn tại SCIC được đề xuất đầu tư vào các dự án quan trọng, tạo động lực cho nền kinh tế và góp phần thu hút vốn đầu tư tư nhân.
Như tại câu chuyện đầu tư mạng lưới đường cao tốc trên cả nước nhằm kết nối giao thông, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, theo Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam cần 29 tỷ USD để hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Để có đủ nguồn vốn khổng lồ này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam nên sử dụng từ 2 nguồn: vốn ODA và sử dụng vốn tư nhân.
"Việc thu hút 29 tỷ USD cho việc phát triển đường cao tốc trong vòng 10 năm là một nỗ lực lớn của Việt Nam. Nguồn vốn từ SCIC sẽ có vai trò "vốn mồi" để thu hút thêm vốn tư nhân đầu tư vào dự án đường bộ cao tốc. Có thể xem vốn của SCIC như một chất xúc tác để mời thêm các bên cho vay vào thị trường hoặc cho phép các bên cho vay hiện tại cung cấp nhiều nguồn lực hơn cho Việt Nam", đại diện WB đánh giá.
Tại tọa đàm "Giải pháp đầu tư đường bộ cao tốc - Lựa chọn kênh tiếp cận" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 25/10/2021, trên cơ sở đề xuất của đại diện doanh nghiệp, chuyên gia, ngân hàng tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực đề xuất nâng cao vai trò của SCIC trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Cũng tại tọa đàm này, khi được hỏi về khái niệm "vốn mồi" trong việc huy động nguồn vốn hoàn thành mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết: Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, phải xã hội hóa nguồn vốn theo hình thức PPP (đã được quy định trong Luật Đối tác công - tư). Trong đó, kênh vốn nhà nước đóng vai trò "vốn mồi". Tại quy hoạch này, vai trò cung cấp "vốn mồi" của SCIC được thể hiện qua việc giảm thiểu rủi ro tài chính, tăng khả năng huy động nguồn vốn vay.
Cần cơ chế thúc đẩy đầu tư
Những năm qua, hoạt động đầu tư của SCIC được triển khai theo hướng thận trọng, gắn với thị trường, giúp bảo toàn giá trị và tăng trưởng vốn nhà nước. Với nguồn vốn điều lệ được cấp và nguồn lực tài chính tích lũy trong quá trình kinh doanh, đến 15/9/2021, SCIC đã giải ngân đầu tư với tổng số tiền hơn 37,651 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp đã tiếp nhận đạt 16.812 tỷ đồng. Nhiều khoản đầu tư hiện hữu của SCIC đem lại hiệu quả cao cho Nhà nước như: Đầu tư mua cổ phần phát hành thêm của Vinaconex với số tiền 1.600 tỷ đồng, mang lại doanh thu trên 4.600 tỷ đồng, lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng.
Sau thương vụ SCIC đầu tư mua cổ phiếu Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần tính tới một cơ chế linh hoạt hơn để cho phép Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Quy định hiện nay về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN thì lợi nhuận sau thuế của DNNN chỉ được trích một phần nhỏ (tối đa 30%) vào quỹ đầu tư phát triển của DN, còn lại toàn bộ nộp ngân sách Nhà nước. Trong khi nhiệm vụ đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu đòi hỏi phải có sự tích lũy vốn lớn. Nếu chỉ trông chờ vào quỹ đầu tư phát triển thì sẽ chậm tích lũy, không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, cơ chế chính sách hiện nay cần có sự điều chỉnh để cho phép SCIC được phép gia tăng phần giữ lại cho doanh nghiệp (có thể từ lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giữ lại, thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…). Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho phép SCIC chủ động, linh hoạt trong việc ra quyết định đầu tư dựa trên những nguyên tắc, cơ chế thị trường, cùng cộng đồng DN vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.