1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cách mạng công nghiệp 4.0: Đau đầu với những giao dịch "chưa từng có trong lịch sử"

(Dân trí) - Những tài sản “mới” xuất hiện sẽ cần phải được quản lý không thể theo phương thức truyền thống đòi hỏi phải có những định hướng chính sách và hành lang pháp lý mới. Những hàng hóa và dịch vụ được trao đổi theo cách “chia sẻ” với số lượng tương tác vô hạn sẽ dẫn đến những thách thức cho giới hạn năng lực quản lý của chính quyền.

Làn sóng công nghiệp 4.0 sẽ đi cùng mô hình “Kinh tế chia sẻ - Sharing Economy”.
Làn sóng công nghiệp 4.0 sẽ đi cùng mô hình “Kinh tế chia sẻ - Sharing Economy”.

Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng lớn là cách mạng công nghiệp cơ khí chạy bằng hơi nước từ năm 1784, cuộc cách mạng sử dụng điện năng để sản xuất quy mô lớn từ năm 1870 và cuộc cách mạng tự động hóa sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử từ năm 1969.

Giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang được tiếp nối với sự tham gia của công nghệ vật lý, kỹ thuật số, sinh học. Ở thế hệ công nghiệp 4.0 này, vạn vật sẽ được kết nối (Internet of Things) và giao thoa thực ảo.

Tại “Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra sáng nay (11/4), bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, làn sóng công nghiệp 4.0 sẽ đi cùng mô hình “Kinh tế chia sẻ - Sharing Economy” - mô hình thị trường kết hợp sở hữu và chia sẻ, dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia.

Trên thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ đã đạt những thành công đáng kể, có thể kể đến nhiều tên tuổi nổi tiếng, mà điển hình có thể kể đến Airbnb hay Uber.

Tại Việt Nam, đến thời điểm này, kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại. Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này (chiếm 75%).

Trên thực tế tại Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện với sự góp mặt của các công ty như Uber, Grab, Airbnb, Triip.me, Travelmob, Grabr, Ahamove. Airbnb cũng đã vào Việt Nam trong năm 2014. Hà Nội, TPHCM cùng với một số tỉnh thành khác cũng đã gia nhập mạng lưới của Airbnb với số lượng phòng ngủ, nhà cho thuê đạt trên 1.000 phòng. Để tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, Airbnb sẽ xác nhận danh tính chủ nhà thông qua Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó.

Thách thức lớn nhất là câu chuyện chính sách

Nói về các thách thức trong cách mạnh công nghiệp lần thứ tư, TS Phạm Đình Thưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho rằng, xây dựng chính sách ở Việt Nam là những thách thức cần kể đến.

Theo TS. Phạm Đình Thưởng, có thể nói, hai yếu tố công nghệ quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này là Internet (Internet of Things) và công nghệ số (chuyển đổi số - digital transformation)”, cho phép tạo ra những giá trị số hóa và phương thức giao dịch chưa từng có trong lịch sử.

Một trong những tài sản số hóa được giao dịch làm bất ngờ các nhà hoạch định chính sách ở bất kỳ nước nào và gây nhiều tranh cãi đó là “bitcoin” và sau này có nhiều sản phẩm tương tự. Có thể sau khi nó xuất hiện, một số nước cho phép, một số nước không nhưng chắc chắn trước đó không có nước nào có chính sách hay quy định về những sản phẩm kiểu như vậy.

Cũng tương tự như vậy, khi Uber xuất hiện, trong khi người tiêu dùng háo hức với một dịch vụ vận chuyển hành khách được tạo ra, kiểm soát bởi công nghệ, thì các cơ quan quản lý ở các nước lại “đau đầu” nghĩ cách giải quyết phù hợp cho một “khái niệm” mới vì loại dịch vụ này lại không thuộc các loại dịch vụ vận tải cụ thể đang được quy định.

"Trên thực tế những vấn đề như vậy không phải là không thể giải quyết, song rõ ràng chính sách và pháp luật đã không phản ứng kịp thời với tác động của công nghệ. Nhưng nói rộng hơn, các chính phủ phải bắt đầu tính đến việc quản lý một nền kinh tế với hai đặc điểm chính: một là nhiều giá trị sản phẩm số được thừa nhận, giao dịch và hai là nền kinh tế đang vận hành theo một cách mới - nền kinh tế chia sẻ (sharing economy)", lãnh đạo Bộ Công Thương nói.

Ông Thưởng cũng cho rằng, những tài sản “mới” xuất hiện sẽ cần phải được quản lý không thể theo phương thức truyền thống đòi hỏi phải có những định hướng chính sách và hành lang pháp lý mới. Những hàng hóa và dịch vụ được trao đổi theo cách “chia sẻ” với số lượng tương tác vô hạn sẽ dẫn đến những thách thức cho giới hạn năng lực quản lý của chính quyền.

Ông dẫn ví dụ nếu như với công nghệ của Uber, người ta có thể chia sẻ phương tiện giao thông thì còn nhiều ứng dụng khác như Laxus, Airbnb, v.v người ta đã chia sẻ những tài sản khác gồm cả hàng hóa, dịch vụ, không gian, kỹ năng, và cả tiền bạc.

Công nghệ phải quản bằng công nghệ

Theo TS Phạm Đình Thưởng, một nền kinh tế chia sẻ dẫn chính phủ đến hai khó khăn phải giải quyết: một là làm thế nào để mặc định các đối tượng rất nhiều cá nhân tham gia hoạt động “chia sẻ” đó và hai là xây dựng hành lang pháp lý cho những hoạt động đó, bao gồm cả việc thu thuế cho các hoạt động kinh doanh. Để có thể giải quyết những khó khăn này, rõ ràng các chính phủ phải trở thành những chính phủ thông minh và cũng là những chính phủ sử dụng công nghệ số (chính quyền số).

Theo đó, vai trò của chính phủ không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các ứng dụng công nghệ để quản lý nền kinh tế mà còn phải xây dựng hành lang pháp lý thừa nhận và công nhận các cơ sở dữ liệu phù hợp. Về mặt công nghệ, chính phủ phải thiết lập được cơ sở dữ liệu thông suốt trong rất nhiều lĩnh vực liên quan đến dân số, việc làm, ngành công nghiệp, dịch vụ để có phản ứng kịp thời với những thay đổi trong cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề di chuyển lao động và giải quyết thất nghiệp.

Vể mặt pháp lý, chính phủ phải xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật trong rất nhiều lĩnh vực đang có xu hướng sử dụng công nghệ số mạnh mẽ như giao thông, y tế, môi trường, du lịch, thương mại điện tử, v.v. Việc xử lý vi phạm những phương tiện giao thông không người lái tất nhiên đòi hỏi chính quyền phải có công nghệ để giám sát và xử lý.

"Nếu như những thách thức trong hoạch định chính sách trước những tác động của một cuộc cách mạng công nghiệp đối với các nước phát triển là một thì đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ là mười. Đơn giản là những hoạt động quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp sẽ đến từ những nước phát triển theo cách hoặc là họ tạo ra nó hoặc là họ đón nhận nó sớm hơn", ông nói.

Ông Thưởng cũng chỉ ra những thách thức cho những nước đang phát triển chính là cần có chính sách như thế nào để đón nhận những thành quả của cuộc cách mạng công nghệ và làm thế nào để quản lý một nền kinh tế chia sẻ cho phép sự tham gia hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ của mọi tổ chức, cá nhân.

"Nếu chỉ có kim cương cắt kim cương thì cũng chỉ có công nghệ mới quản lý được công nghệ. Ứng dụng công nghệ để biến chính quyền truyền thống thành chính quyền số có lẽ sẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho Việt Nam khi rõ ràng thước đo về mức độ hiểu biết công nghệ của cán bộ quản lý hiện nay mới chỉ được đo bằng trình độ tin học văn phòng", ông nói.

Đại diện Bộ Công Thương cũng lạc quan cho rằng, đối với Việt Nam, làm chủ công nghệ ở giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dường như lại dễ hơn việc làm chủ công nghệ ở những cuộc cách mạng công nghiệp trước.

Ngoài yếu tố hoàn cảnh lịch sử, thì lý do thứ nhất là, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dù với những đặc điểm đủ để hình thành một cuộc cách mạng khác biệt với trước đó, nhưng có rất nhiều yếu tố kế thừa, đó là: tin học, Internet và tự động hóa. Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng cho cuộc cách mạng lần này, đó là tỉ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao: khoảng 54% dân số - 2016, đứng thứ 5 ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%, Việt Nam còn đứng đầu thế giới trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm “thuê ngoài”...

Cơ hội Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt

Trong bối cảnh Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng.

"Nếu trước đây, phải mất gần một thế kỷ để chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp cũ sang cuộc cách mạng công nghệ mới thì cuộc cách mạng 4.0 này xuất hiện chỉ sau cuộc cách mạng công nghiệp 3 chưa đầy nửa thế kỷ. Hơn thế nữa, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị trên toàn thế giới", Thứ trưởng nói.

Theo bà Thoa, cuộc cách mạng 4.0 tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội như công nghiệp, nông nghiệp, ngân hàng, giao thông vận tải, dệt may… đến doanh nghiệp và các địa phương.

"Cuộc cách mạng 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát, là cơ hội mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc cách mạng 4.0 là rất lớn", bà Thoa nói thêm.

Phương Dung