Các vụ vỡ nợ bằng đồng USD của Trung Quốc ngày càng tăng cao
(Dân trí) - Các khoản vỡ nợ trái phiếu đô la Mỹ của các công ty Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần lên 12 tỷ USD trong năm nay, từ mức 4 tỷ USD trong năm 2019.
Các vụ vỡ nợ của các công ty Trung Quốc đối với khoản nợ bằng USD đã tăng đáng kể trong năm nay do đại dịch Covid-19, giá dầu sụt giảm và quan hệ Mỹ - Trung xấu đi đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và giảm khả năng trả nợ của họ.
Những bất lợi này đã làm giảm niềm tin thị trường, thiếu hụt thanh khoản bằng đồng USD và hạn chế khả năng vay USD của một số công ty để trả khoản nợ hiện có.
Theo dữ liệu từ công ty tài chính Natixis của Pháp, các khoản nợ trái phiếu bằng USD của các công ty Trung Quốc đã tăng gấp ba lần lên 12 tỷ USD trong năm nay từ mức 4 tỷ USD của cả năm ngoái.
Khi các ngân hàng trung ương thế giới triển khai các chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp châu Á đang ổn định trở lại. Các nhà đầu tư vào đầu năm nay đã bán phá giá trái phiếu bằng USD với khối lượng lớn vì sự siết chặt tài chính bằng đồng USD tạo ra thách thức với các nghĩa vụ thanh toán.
Và trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng và trái phiếu USD đáo hạn vào năm tới, tình trạng vỡ nợ trái phiếu có thể tăng lên, Zhang Guo, giám đốc điều hành tại China Chengxin (châu Á - Thái Bình Dương), cho biết.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, các công ty Trung Quốc nắm giữ số trái phiếu đô la Mỹ trị giá 101,8 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm nay. Con số này sẽ tăng 10% vào năm 2021 và tăng thêm 19% vào năm 2022.
Zhang cho biết: “Khối lượng nợ USD không trả được của các công ty Trung Quốc đang tăng chủ yếu là do các yếu tố cơ bản của công ty và gây nên áp lực lên thanh khoản nội bộ”.
“Chúng ta cần xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô vì đại dịch ở nước ngoài vẫn chưa được kiểm soát, trong khi căng thẳng Mỹ - Trung cũng sẽ ảnh hưởng đến khoản nợ đô la Mỹ của Trung Quốc”, ông Zhang nói thêm.
Paul Au, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại China Merchants Bank International, lạc quan hơn về sự phát triển của thị trường trái phiếu USD của Trung Quốc, bất chấp rủi ro Washington có thể trừng phạt một số ngân hàng Trung Quốc, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu USD cho các công ty Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn Mỹ hoặc châu Âu, vì vậy các nhà đầu tư sẽ tiếp tục mua trái phiếu an toàn do các công ty tài chính hàng đầu của Trung Quốc phát hành, Au nói.
“Các công ty đầu tư và quản lý quỹ của Mỹ có văn phòng chi nhánh ở Châu Âu, Hồng Kông và Singapore không cần sự chấp thuận từ trụ sở chính để đưa ra quyết định đầu tư. Trong thế giới đầu tư, họ đầu tư vào bất kỳ nơi nào có thể mang lại lợi nhuận”, ông nói.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trước đó đã nới lỏng các quy định về nợ bằng USD vào tháng 3 để giải phóng khoản vay bằng USD giá rẻ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Điều này xảy ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bơm thanh khoản lớn vào hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, Gary Ng, nhà kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Natixis cho rằng, các nhà phát hành trái phiếu USD của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và bán dẫn có thể bị áp lực nhiều hơn do chiến tranh thương mại làm gián đoạn chuỗi cung ứng của họ. Các công ty này có mức độ tiếp xúc với thị trường nước ngoài cao nhất, với doanh thu nước ngoài lần lượt là 49% và 37% doanh thu.
Tỷ lệ vỡ nợ đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trên thị trường nợ USD đã lần đầu tiên cao hơn tỷ lệ của các doanh nghiệp tư nhân, Ng nói.
Doanh nghiệp nhà nước Tewoo Group trước đó đã trở thành công ty phá sản lớn nhất đối với trái phiếu USD trong lịch sử Trung Quốc khi phải ra tòa để tái cơ cấu có kiểm soát vào tháng 7, với lượng trái phiếu USD trị giá 1,75 tỷ USD.
Theo Ng, các nhà đầu tư hiện nay vẫn đang đánh giá rủi ro tương đối cao đối với [nợ doanh nghiệp] của Trung Quốc, mặc dù nó đã được cải thiện nhiều so với mức tháng 3.